DetailController

Tin từ các đơn vị

Kim Bôi: Quan tâm triển khai nhiều chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản

01/03/2023 16:29
Thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” thời gian qua huyện Kim Bôi đã triển khai nhiều giải pháp về cả cơ chế, chính sách và hỗ trợ phát triển sản phẩm nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Năm 2022, Kim Bôi xuất thành công 1 tấn nhãn quả tươi sang thị trường Châu Âu

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bền vững, phù hợp với quy hoạch chung của cả huyện. Từ năm 2020, huyện Kim Bôi với sự lồng ghép từ nhiều nguồn vốn đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, người sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: Xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất giá trị bằng việc hỗ trợ cây giống, vật tư cho các tổ chức là các Hợp tác xã, tổ hợp tác và trực tiếp cho người sản xuất như hỗ trợ trồng cây Gai xanh AP1; trồng dược liệu; trồng chanh leo; ...Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây trồng chủ lực của huyện như cây ăn quả có múi, nhãn, rau lấy quả các loại. Đến nay, với sự hỗ trợ của nhà nước, huyện đã có 03 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm nhãn, cam và bưởi; 10 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội của huyện và đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 03 năm qua, huyện đã ưu tiên đầu tư các công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi tập trung vào các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Huyện đã thực hiện hỗ trợ các Hợp tác xã xây dựng trụ sở làm việc (HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi), áp dụng khoa học công nghệ  (hỗ trợ hệ thống máy tách thủy phần mật ong cho HTX Greenlife) đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Hỗ trợ HTX về bao bì, nhãn mác, chi phí vận chuyển, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tổ chức Lễ xuất hàng sang thị trường EU (HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy xuất khẩu nhãn sang thị trường Châu âu năm 2022 với sản lượng 01 tấn nhãn quả tươi).

Công tác khuyến nông cũng được quan tâm và tăng cường, huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Khuyến nông trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 áp dụng cụ thể, phù hợp trên địa bàn huyện. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thường xuyên được thực hiện, từ năm 2020-2022, huyện đã hỗ trợ trên 40 tấn giống lúa năng suất cao, chất lượng cho người dân đưa vào sản xuất trên diện rộng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách về khoa học và công nghệ, huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu thực hiện các mô hình khảo nghiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng để làm căn cứ  mở rộng địa bàn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đại trà. Đã hỗ trợ người trồng lúa áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa bằng thiết bị bay không người lái tại các xã, thị trấn, diện tích hỗ trợ hàng năm đạt trên 500/ha. Hỗ trợ trong xây dựng, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Đến nay toàn huyện có trên 200 ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP gồm quả có múi, rau các loại, thanh long, ...; 34 ha nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm được quan tâm, đầu tư. Huyện đã hỗ trợ, khuyến khích các Hợp tác xã, các chủ thể OCOP tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm chất lượng, đặc hữu của địa phương. Trong 03 năm qua, huyện đã phối hợp với các đơn vị như Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng hỗ trợ cấp 04 mã số vùng trồng cho 02 sản phẩm gồm có 03 mã cấp cho sản phẩm nhãn Sơn Thủy sang thị trường Úc và Trung Quốc với diện tích 37,6 ha; 01 mã sản phẩm bưởi sang thị trường Úc; có 01 mã cơ sở đóng gói được cấp cho Nhãn Sơn Thủy sang thị trường Trung Quốc.

Để các sản phẩm nông sản tiếp cận được với các thị trường khó tính, đòi hỏi phải đảm bảo về chất lượng. Cùng với sự đầu tư của người sản xuất và các tổ chức, huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng là các hộ nông dân, chủ thể OCOP, các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các nhà vườn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng Websize giới thiệu, quảng bá về đơn vị về sản phẩm; thiết kế và in ấn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm (QR code); hỗ trợ về bao bì, nhãn mác;...Hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất, tập huấn quy trình kỹ thuật để đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, huyện còn triển khai đồng loạt các chính sách về tài chính, tín dụng, thuế để tạo điều kiện tối đa cho các DN, HTX hoạt động, sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là nông dân, cán bộ quản lý và thành viên Hợp tác xã, tổ hợp tác để có thể áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao sản lượng và chất lượng, giảm chi phí và tăng thu nhập.

Khó khăn hiện nay, cơ sở hạ tầng (máy móc, trang thiết bị, hệ thống kho bãi) của các hợp tác xã còn thiếu và chưa đảm bảo nhu cầu về bảo quản và chế biến. Trên địa bàn huyện đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên việc sản xuất theo chuỗi giá trị còn chưa nhiều; còn nhiều diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu; chất lượng nông sản chưa đồng đều.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Kim Bôi đề nghị UBD tỉnh nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong xuất khẩu nông sản. Có hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng quy hoạch nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu./.