Trong vụ Mùa - Hè Thu, toàn huyện đã gieo trồng được 6.626 ha cây hàng năm, đạt 200,2% KH, bằng 101,2% cùng kỳ. Ước đến hết năm 2023, toàn huyện có khoảng 1.890 ha cây ăn quả trồng tập trung. Trong đó: Diện tích trồng mới khoảng 60 ha, diện tích kinh doanh gần 1.455 ha, diện tích kiến thiết cơ bản trên 375 ha. Trong thời gian qua, huyện Kim Bôi tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu; tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Năm 2023, bằng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, huyện đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất giá trị như Trồng ớt xuất khẩu; rau củ quả các loại; Bí nhật xuất khẩu; trồng Dứa và trồng Ngô sinh khối. Các chuỗi liên kết có quy mô từ 8 – 23ha, dự kiến thực hiện trong cuối năm 2023.
Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn được duy trì: Tổng đàn trâu khoảng 16 nghìn con; đàn bò 7,4 nghìn con; đàn lợn 66,9 nghìn con, đàn gia cầm 580 nghìn con. Giá các sản phẩm chăn nuôi cơ bản ổn định. Duy trì tốt việc chăm sóc, phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn cá, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn huyện hiện có 160 ha nuôi trồng thủy sản, trong 09 tháng đầu năm sản lượng thu hoạch khoảng 390 tấn, đạt 78% KH tỉnh giao. Huyện đã làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng; Không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép và cháy rừng. Ước tính hết năm 2023, toàn huyện trồng được trên 1.434 ha rừng sau khai thác, đạt 179,2% KH.
Trên cơ sở định hướng của UBND tỉnh, huyện Kim Bôi đã ban hành kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2023 – 2024 và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất tới bà con nhân dân trên địa bàn. Trong vụ Đông năm 2023, phấn đấu gieo trồng 1.810 ha cây vụ Đông, bằng 96,6% so với cùng kỳ, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô: 518 ha, năng suất: 38,2 tạ/ha; Khoai tây: 78 ha, năng suất: 95,3 tạ/ha; Khoai lang: 279 ha, năng suất: 50 tạ/ha; cây rau đậu các loại 717 ha, năng suất: 145 tạ/ha.
Mục tiêu định hướng vụ Chiêm xuân năm 2024: Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm là 7.150 ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Cây lương thực có hạt 3.775 ha, sản lượng 21.300 tấn; cây có củ có chất bột 580 ha; mía 495 ha, năng suất 600 tạ/ha; cây có hạt chứa dầu 192 ha; cây rau, đậu các loại 1.675 ha; cây khác 431 ha. Trồng mới khoảng 50 ha cây ăn quả, tập trung chăm sóc diện tích cây ăn quả hiện có nhất là cam, bưởi, nhãn. Trong năm 2024, ổn định và phát triển đàn vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, phòng chống đói rét, dịch bệnh, chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Phấn đấu diện tích trồng rừng sau khai thác là 800 ha; duy trì độ che phủ rừng 50%. Đảm bảo duy trì nguồn nước phục vụ 90% diện tích gieo cấy lúa toàn huyện và một phần diện tích trồng màu. Chủ động triển khai chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi tháng 4/2024, huy động 43 nghìn ngày công, giá trị trên 3 tỷ đồng.
Trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nông dân tham gia và phát huy vai trò của mình trong tổ chức thực hiện, phát triển nông nghiệp. Quan tâm đào tạo nghề cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục tích tụ ruộng đất, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng năng suất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới các sản phẩm chất lượng, an toàn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ … để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tăng đàn gia súc gia cầm, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô và chất lượng. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Quản lý tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, chăm sóc rừng trồng, khuyến khích người dân sau khi khai thác trồng lại rừng, chuyển hóa thí điểm từ sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh cây gỗ lớn. Đổi mới hình thức sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, hình thành doanh nghiệp để gắn liên kết chuỗi từ khâu Đầu vào - Tổ chức sản xuất - Sơ chế/Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu một cách toàn diện, trong đó có hạ tầng nông nghiệp như giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, hệ thống tưới, nhà lưới, nhà sơ chế, kho lạnh, chợ đầu mối, cửa hàng giới thiệu sản phẩm… Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng khâu chế biến, phát triển nông nghiệp thông minh (4.0), quan tâm đầu tư để có các sản phẩm thương hiệu, sản phẩm chất lượng theo xu hướng phát triển xã hội và nhu cầu của người tiêu dùng. Tăng cường việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm địa phương thông qua hội thảo, các sàn giao dịch, các trang Web và hệ thống truyền thông để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản trên địa bàn….