DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kim Bôi: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng

19/05/2023 17:30
Từ năm 2020 đến nay, công tác hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kim Bôi luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện và đã đạt được những kết quả tích cực. Thông qua dự án, các hộ được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng; hỗ trợ giống cây mới (keo tai tượng úc) có sức sinh trưởng nhanh, rễ cây đâm sâu cây không bị đổ sau mưa bão, lượng sinh khối của cây tăng lên gấp 02 - 03 lần so cây bản địa.
Người dân xóm Bưa Cầu xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi giữ rừng và thu hoạch các sản phẩm từ rừng trồng

Huyện Kim Bôi có diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 37.950,53 ha, chiếm 68,84% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất rừng đặc dụng 4.764,54 ha, đất rừng phòng hộ 13.918,44 ha, đất rừng sản xuất 19.267,55 ha. Tổng số đơn vị hành chính trên địa bàn huyện là 16 xã, 01 thị trấn. Toàn huyện có 158 thôn, xóm, khu, trong đó: Loại I có 8 thôn, xóm, khu; loại II có 95 thôn, xóm, khu và loại III có 55 thôn, xóm, khu. Tính hết năm 2022, dân số huyện Kim Bôi khoảng 125.874 người, tổng lao động khoảng 85.640 người, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động khoảng 65,5%. Tổng số hộ toàn huyện trên 28.000 hộ, số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) 4.943 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo khoảng 17,61%. Tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 12,54%.

Nhìn chung, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay chính sách bảo vệ và phát triển rừng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản đã được quản lý sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Chính quyền địa phương với người dân đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đặc dụng, năm 2020, tổng khi phí được giao là trên 1,1 tỷ đồng, thực hiện bảo vệ trên 2.700 ha rừng đặc dụng cho Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng tiến. Hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho UBND các xã, thị trấn với tổng diện tích trên 10 nghìn, với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng.  Năm 2021, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho các xã, thị trấn ngoài khu vực II, III với tổng diện tích 865,2 ha, với tổng số tiền hơn 245 triệu đồng. Năm 2022, được giao trên 5,8 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cho các xã khu vực II, III.

Thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất, năm 2020 được hỗ trợ 600 triệu đồng thực hiện trồng rừng sản xuất tại 04 xã (Đú Sáng, Mỵ Hòa, Hợp Tiến, Hùng Sơn) với diện tích 120 ha (hỗ trợ giống Keo tai tượng Úc). Năm 2021 hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại 04 xã (Đú Sáng, Mỵ Hòa, Vĩnh Tiến, Kim Bôi) với diện tích 174,6 ha (hỗ trợ giống Keo tai tượng Úc) với tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách, xã hội huyện đã triển khai chính sách đến với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng II và III, đến thời điểm 20/3/2023 dư nợ đạt 4.500 triệu đồng với 150 khách hàng đang vay vốn.

Nhìn chung, việc gắn lợi ích của người dân với rừng, hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước, đã tạo thêm động lực để người dân quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, hạn chế phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Công tác hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ở các xã đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cơ bản các diện tích hỗ trợ khoán được bảo vệ tốt, ý thức bảo vệ rừng người dân được nâng cao. Chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng vừa góp phần tích cực trong bảo vệ rừng vừa tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, bản tham gia bảo vệ rừng. Qua thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và trồng rừng đã từng bước khẳng định tính hiệu quả, đúng đắn sẽ góp phần khuyến khích hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, bản tham gia bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng, đồng thời cải thiện sinh kế giảm áp lực đến rừng tự nhiên./.