Kim Bôi là huyện miền núi nắm ở phía đông nam của tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích tự nhiên là 55.103,43 ha, có 28 đơn vị hành chính gồm 27 xã và 1 thị trấn, dân số 114.015 người, có 4 dân tộc chính là Mường, Kinh, Dao, Tày. Trong 3 năm từ 2008 đến 2010 trên địa bàn huyện xảy ra 160 vụ tội phạm các loại, trong đó có 147 vụ phạm tội về TTXH, 2 vụ phạm tội về kinh tế và 11 vụ phạm tội về ma túy. Đáng chú ý là các vụ giết người cố ý gây thương tích đều xuất phát từ nguyên nhân xã hội, do mâu thuẫn giản đơn, đột biến, thiếu kiềm chế hoặc do người tâm thần mất khả năng điều chỉnh hành vi gây ra. Hơn nữa, tình trạng thanh niên tụ tập uống rượu say gây rối, đâm đánh nhau, đánh bạc diễn ra khá phổ biến đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi. Tội phạm trộm xe mô tô xảy ra nhiều, đặc biệt là trên các tuyến giao thông do nhân dân mất cảnh giác đi làm ruộng để xe trên lề đường không trông coi, bảo vệ. Nguy hiểm hơn, có một số đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vẫn tiếp tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt tìm đủ mọi cách trốn tránh pháp luật. Tội phạm ma túy và người nghiện tăng giảm thất thường nguyên nhân chủ yếu là do cai nghiện tại trung tâm chưa cao, công tác quản lý giáo dục sau cai nghiện chưa chặt chẽ. Hầu hết số đối tượng nghiện ma túy đều có hành vi vi phạm pháp luật.
Trước tình hình trên, từ đầu năm 2011 Đảng ủy, lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tăng cường lực lượng bám sát cơ sở tiến hành rà soát các điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, các đường dây ổ nhóm tội phạm mang tính chất chuyên nghiệp. Đặc biệt tiến hành rà soát các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù. Qua rà soát tại 28 xã, thị trấn có 418 người bao gồm cả án treo, cải tạo không giam giữ có mặt ở địa phương. Từ đó đã phâm loại đưa vào danh sách 85 đối tượng và lập 73 hồ sơ cá nhân đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội để theo dõi quản lý thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục để họ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tham gia tố giác tội phạm; vận động được 69 người có quá khứ phạm tội tích cực tham gia phong trào.
Cũng theo thống kê, từ năm 2002 đến 2012, trên địa bàn có 191 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó chết 12 người, tái phạm đang chấp hành án 17 người, chuyển nơi khác 14 người, hiện còn 148 người đang cư trú tại địa phương. Qua rà soát đã có 63 người được xóa án tích, 85 người chưa được xóa án tích (57 người chưa đủ thời gian, 28 người chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung). Hầu hết số người sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương đều ăn năn, hối cải, cố gắng tu dưỡng, tích cực tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên vẫn còn có một số đối tượng sau khi trở về địa phương vẫn tiếp tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn, tìm đủ mọi cách trốn tránh pháp luật, che dấu hành vi phạm tội gây khó khăn cho công tác điều ta, truy tố, xét xử. Từ năm 2002 đến 2010 có 18/191 số người chấp hành xong án phạt về nơi cư trú tái phạm, trong đó có 15 người bị xử lý về hình sự, 3 người bị xử lý hành chính, đáng chú ý là có 3 người tái phạm lần 2 và có 3 tiền án. Căn cứ vào kết quả điều tra rà soát công an huyện đã xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường lực lượng bám sát cơ sở chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội...Qua đó, công tác tấn công truy quét tội phạm, điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật đã có tác dụng tích cực trong việc răn đe giáo dục và tạo môi trường thuận lợi cho người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. Do vậy, từ năm 2011 đến tháng 7-2013 chỉ có 2/148 số người chấp hành xong án phạt tù tái phạm, trong đó có 1 đối tượng nghiện ma túy và 1 đối tượng lười lao động không chịu cải tạo tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản.
Để xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm công an huyện Kim Bôi đã tham mưu cho chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập quỹ phòng chống tội phạm huyện Kim Bôi với mục đích tạo nguồn kinh phí nhằm động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; thăm hỏi động viên, hỗ trợ những cá nhân, cán bộ, nhân dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang bị thương, hy sinh trong tham gia phòng, chống tội phạm. Đồng thời tạo nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng và biểu dương khen thưởng người có quá khứ lầm lỗi tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Sau một thời gian thành lập, quỹ đã được đông đảo các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ. Từ những tiến bộ, tích cực của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú, công an huyện đã tiền hành lựa chọn dựa trên nhận xét và đề nghị của lực lượng cảnh sát hình sự, công an phụ trách xã, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã trực tiếp kèm cặp giúp đỡ người có án phạt tù về địa phương thực sự ăn năn hối cải, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tổ chức hội nghị biểu dương, tặng quà cho 69 người có quá khứ lầm lỗi tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trích 100 triệu đồng từ quỹ phòng chống tội phạm cho 10 người vay vốn với mức 10 triệu đồng/người để tạo việc làm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, công an huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ để những người được vay vốn từ quỹ phòng chống tội phạm đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Tiêu biểu là anh Quách Công Nếp ở xóm Mỵ xã Mỹ Hòa đã sử dụng vốn vay nuôi 2 lứa lợn với tổng số 18 con, lãi 17 triệu đồng. Từ số vốn cho vay, hiện nay anh Nếp tiếp tục mua thêm 1 con trâu để chăn nuôi phát triển kinh tế. Anh Bùi Văn Ngọ ở xóm Trò, xã Hợp Kim đã sử dụng vốn vay đầu tư phát triển chăn nuôi, ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, công an huyện cũng định kỳ tổ chức gặp gỡ người có quá khứ vi phạm pháp luật để giáo dục thuyết phục, ký cam kết không tái phạm, đồng thời phổ biến những kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, biểu dương những tấm gương người có quá khứ vi phạm pháp luật tích cực rèn luyện, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, hăng hái tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc để nhân dân và người có quá khứ phạm tội nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống, tội phạm, giữ gìn bình yên xóm, làng.
Với sự quan tâm của toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cá nhân người chấp hành xong án phạt tù, đến nay 133/148 = 90% số người chấp hành xong án khi trở về địa phương đã có việc làm, hăng hái tham gia lao động sản xuất. Nhiều người đã vươn lên làm giàu chính đáng, trong đó có 16 người tham gia tổ tuần tra, tổ hòa giải, 33 người tổ chức có hiệu quả các hoạt động kinh doanh dịch vụ, tham gia lao động sản xuất tại các doanh nghiệp được nhân dân và chính quyền địa phương tin tưởng, nhận xét tốt.