DetailController

Giáo dục

Kim Bôi chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

26/10/2020 00:00
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Xác định rõ điều đó, những năm qua, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
May công nghiệp là một trong những nghề được huyện chú trọng đào tạo do có đầu ra tốt, cơ hội việc làm sau đào tạo cao

Huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân cư đông, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn là đòi hỏi bức thiết, trọng tâm là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một phần chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Bôi. Hàng năm, huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp học.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đề án 1956), giai đoạn 2010 – 2020, huyện Kim Bôi đã tổ chức mở 278 lớp đào tạo cho 8.454 lao động nông thôn học nghề gồm các nhóm nghề làm chổi chít xuất khẩu, may túi xách siêu thị xuất khẩu, trồng cây có múi, nuôi và trị bệnh cho trâu bò, thêu thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi gà hữu cơ, nghề sản xuất rau an toàn, may công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy nông nghiệp, và một số nghề nông nghiệp khác. Theo đó, nguồn kinh phí tỉnh cấp cho huyện Kim Bôi theo quyết định 1956 trên 6 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 90% trong đó, lĩnh vực nghề nông nghiệp đạt 100%.

Lao động sau khi được đào tạo đã có nghề nghiệp ổn định, tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Trong đó, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề làm chổi chít xuất khẩu, nghề may túi xách siêu thị xuất khẩu, có việc làm tại xưởng đạt 90% còn lại lao động tự tạo việc làm 10%. Nghề thêu thổ cẩm được các cơ sở cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm số lao động nông thôn học nghề có việc làm là 100%. Nghề trồng cây ăn quả, nghề kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm qua học nghề người lao động đã tự biết kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăm sóc vật nuôi và biết cách phòng chống dịch bệnh thông thường, tự tạo việc làm tại gia đình 100%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,55 triệu đồng năm 2016 lên 32,5 triệu đồng năm 2019. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 35,04% đầu năm 2016, xuống 14,77% cuối năm 2019, bình quân mỗi năm giảm 5,06%.

Việc triển khai hiệu quả Đề án 1956 khẳng định chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao kiến thức khoa học cho người lao động để vận dụng vào thực tiễn sản xuất, tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Có thể thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của một bộ phận người dân. Người lao động sau khi học nghề và áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Đồng thời làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm, nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, thị trấn./.