Anh Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Huyện Đoàn Kim Bôi cho biết: Để đào tạo nghề cho TN lao động nông thôn, bên cạnh tuyên truyền, vận động, quan trọng nhất là tạo được các kênh giới thiệu nghề nghiệp với TN. Có hai hướng để giải quyết vấn đề này, thứ nhất, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho TN làm việc ở các DN, thứ hai là đào tạo nghề nông, hỗ trợ vốn giúp TN giải quyết việc làm ngay tại địa phương.
Từ nhận thức đó, trong những năm qua, Kim Bôi đã đẩy mạnh đào tạo nghề, hướng nghiệp cho TN nông thôn. Trong 8 tháng năm 2011, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với huyện Đoàn tổ chức 2 buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho 280 ĐV-TN. Phối hợp với trường TH Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình và Trung tâm học tập cộng đồng các xã mở 5 lớp may công nghiệp cho TN ở các xã vùng sâu, xa, khó khăn đến theo học và giới thiệu việc làm tại các DN trong, ngoài tỉnh. Phối hợp với 5 công ty, DN trường nghề giới thiệu và tư vấn cho hơn 400 lượt ĐV-TN tìm hiểu và đăng ký học nghề, tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, huyện cũng chú trọng hướng dẫn đào tạo nghề nông nghiệp nhằm giúp TN phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống tại địa bàn. Từ đầu năm đến nay, huyện Đoàn Kim Bôi đã khảo sát tình hình và nhu cầu TN tham gia xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với địa phương. Huyện đã tổ chức được 2 buổi khảo sát tham gia xây dựng mô hình khuyến ngư tại xã Hợp Kim và Hạ Bì; mở lớp chăn nuôi, thú y cho hơn 200 ĐV-TN nhằm hướng dẫn cho người lao động kỹ thuật, cách chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, nuôi lợn, gà thả vườn hiệu quả. Nhằm đưa những kiến thức đã học vào phục vụ SX, huyện Đoàn đã tín chấp với Ngân hàng CS-XH huyện giúp ĐV-TN vay vốn đầu tư SX. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ do huyện Đoàn quản lý hơn 25 tỷ đồng/ 57 tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.310 hộ được vay, trong đó, chủ yếu là các ĐV-TN. Thông qua triển khai các nguồn vốn cho vay, đến nay đã có 356 hộ gia đình thoát nghèo và gần 50% số hộ vay vốn đạt gia đình có mức sống khá trở lên. Nhiều hộ đã có điều kiện đầu tư vốn vào SX-KD tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương.
Trong thời gian tới, việc đưa vào sử dụng Trung tâm Dạy nghề huyện, Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho TN nông thôn để giải quyết việc làm cho số lao động này. Đồng thời, tận dụng thế mạnh, đa dạng hóa phát triển kinh tế để góp phần ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.