DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

31/05/2023 15:31
Chiều 30/5, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viện dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí là thành viên Đoàn kiểm tra và Tổ giúp việc Đoàn kiểm tra.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận buổi làm việc

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tình hình kinh tế tỉnh Hòa Bình nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine, cạnh tranh giữa các nước lớn ảnh hưởng đến giá vật tư, tình hình thời tiết, khí hậu, dịch bệnh cũng tác động lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ chính trị đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, do đó các chỉ tiêu phát triển ngành đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4,69%/năm, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, thủy sản. So với giai đoạn 2015-2020, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chính đều tăng. Công tác quản lý Nhà nước trong nông nghiệp và phát triển nông thôn được tăng cường và phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất, cung ứng, kinh doanh, quảng bá vật tư nông nghiệp được kiểm tra, giám sát. Chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nổi bật là hoạt động xuất nhập khẩu nông sản chủ lực, có lợi thế của tỉnh, đây là hoạt động mang tính đột phá của ngành nông nghiệp trong nửa nhiệm kỳ qua, với tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm sản tỉnh đến nay đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng. Nhiều vùng sản xuất hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất...góp phần tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém; định hướng những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ; đồng thời chia sẻ những khó khăn mà ngành Nông nghiệp phải vượt qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải xác định mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu trọng tâm, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc, nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 coi đây là kim chỉ nam trong quá trình hoạt động, với các quan điểm: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời, có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; Xây dựng nông thôn mới hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Trong công tác xây dựng Đảng, tiếp tục quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, nâng cao phẩm chất chính trị trong cán bộ, đảng viên, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quan tâm công tác luân chuyển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; sắp xếp các cơ quan trong nội bộ Sở theo tinh thần tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động...

Đối với nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tiếp tục đề án tái canh cây ăn quả có múi, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín; phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Khai thác và phát triển nguồn lực thủy sản bền vững, gắn với bảo vệ hệ sinh thái, môi trường nước gắn với phát triển du lịch. Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, tập trung phát triển rừng gỗ lớn; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; nghiên cứu, phát triển môi trường các bon cho rừng Hòa Bình...Quan tâm xây dựng sản phẩm và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, nông sản của tỉnh, tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm. Đầu tư khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản...Trong lĩnh vực thủy lợi, đảm bảo nguồn nước cho hoạt động sản xuất; tiếp tục triển khai các dự án phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, xử lý sạt lở; trong nhiệm kỳ phấn đấu hoàn thành Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng. Trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, định và cải thiện nâng cao đời sống cho Nhân dân, xây dựng nông thôn mới bền vững. Tích cực tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: chính sách hỗ trợ người dân phát triển rừng gỗ lớn; hỗ trợ người dân trong hiến đất làm đường, trường, trạm; chính sách phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; hoàn thành đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản cho xuất khẩu.../.