Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại bến Bích Hạ, Thung Nai, các bến ven hồ và khu vực đền Thác Bờ; đường tỉnh 435 và Bến xe khách trung tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 265 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải theo các loại hình, với 2.408 phương tiện, trong đó gồm: 171 phương tiện tuyến cố định; 555 phương tiện taxi; 103 phương tiện xe buýt; 340 phương tiện hợp đôngg và 1170 phương tiện hàng hoá. Toàn tỉnh có 13 bến xe đã được công bố và đưa vào khai thác theo quy định, trong đó Bến xe khách trung tâm Hoà Bình đạt loại 4. Hoạt động vận tải đường bộ thời gian qua được duy trì ổn định, đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị vận tải đã tích cực đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân; cùng với đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông luôn được các đơn vị vận tải quan tâm chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Về hiện trạng tuyến đường thuỷ nội địa, trên địa bàn tỉnh có 02 tuyến sông khai thác vận tải thuỷ nội địa, trong đó tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia sông Đà dài 103km, tuyến đường thuỷ nội địa địa phương sông Bôi dài 19km; ngoài các tuyến sông chính, trên hồ có 7 tuyến nhánh ngập với tổng chiều dài 50,04 km; toàn tỉnh có 20 cảng, bến thuỷ nội địa đã được cấp phép; có 1.296 phương tiện thuỷ nội địa. Trong đó gốm 260 phương tiện vận tải hành khách hoạt động chủ yếu trên vùng hồ Hoà Bình.
Để nâng cao hiệu quả công tác phục vụ vận tải hành khách tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, Sở GTVT đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch yêu cầu các bến xe khách, đặc biệt là bến xe khách Trung tâm thành phố triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, treo băng rôn, khẩu hiệu để chào mừng, tăng cường đèn chiếu sáng về ban đêm, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định. Tổ chức nhiều hình thức và địa điểm bán vé, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phối hợp với các lực lượng chức năng tại bến tổ chức kiếm tra phương tiện và người lái, nhân viên phục vụ khi tham gia vận tải hành khách; niêm yến công khai số điện thoại đường dây nóng về tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực bến; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải để vận chuyển hành khách kịp thời.
Các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; có phương án huy động tăng cường phương tiện vận tải; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, bố trí phương tiện vận tải đảm bảo số lượng và chất lượng tham gia hoạt động trên các tuyến; nghiêm cấm hàng vi vận chuyển hàng lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng đường thuỷ nội địa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật giao thông đường thuỷ nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chỉ sử dụng các phương tiện đảm bảo chất lượng, được đăng ký, đăng kiểm theo quy định và phải trang bị đầy đủ thiết bị an toàn vận chuyển hành khách.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ một số công trình tại các bến, cảng trong khu vực lòng hồ; các địa phương cần làm tốt công tác quản lý đất đai tại các bến, cảng; đồng thời quan tâm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các điểm du lịch. Sở tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, đăng kiểm, trang bị kỹ thuật an toàn cho tàu, thuyền; tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho nNân dân xung quanh khu vực lòng hồ, đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh bến, cảng; đầu tư hạng mục của Bến; phối hợp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn, hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa./.