DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh

Lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). Tình trạng mất cân bằng GTKS ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh. Năm 2006 Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng GTKS với tỷ số GTKS là 109 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2013 đã là 113 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng 4,0 điểm %; đến năm 2018 là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2019 là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái (mặc dù tỷ số GTKS năm 2019 đã giảm 3,3 điểm % so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ số “tự nhiên” là 103-107 bé trai trên 100 bé gái sinh ra sống). Báo cáo thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình.
Tổ chức truyền thông xóa bỏ định kiến giới và ra mắt mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng trên địa bàn huyện Mai Châu

Thực hiện Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, ngày 06/6/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ngày 9/8/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với mục tiêu từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đến nay, sau 05 thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển các cấp đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Dân số phát triển nói chung, cũng như hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính nói riêng. Tích cực triển khai các hoạt động, giải pháp cụ thể, mang tính khả thi phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó tập trung truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế; tuyên truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình...truyền thông nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ y tế nhà nước và ngoài công lập chấm dứt tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tích cực tham gia trong việc thực hiện “3 không” (Không tuyên truyền - Không cổ xúy - Không cung cấp các dịch vụ tư vấn, lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi).

Nhìn chung cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đều đã đưa công tác Dân số và Phát triển, trong đó có giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, thành một trong các nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là các nội dung về bình đẳng giới, giảm sinh con thứ 3, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong việc thực hiện các giải pháp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm sinh con thứ 3+.  Thường xuyên, kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển các cấp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, thực hiện lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong các hoạt động công tác. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ dân số, tuyên truyền viên cơ sở.

Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn tích cực triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông. Tổ chức truyền thông vận động thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề; xây dựng, phát sóng, đăng tải các chương trình, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; triển khai các hoạt động truyền thông MCBGTKS cho các cặp vợ chồng, người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên mới kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan. Tổ chức hội nghị, buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng; tổ chức mít tinh, diễu hành cổ động, chiến dịch truyền thông nhân các ngày kỷ niệm như: Ngày Dân số Thế giới 11/7; Ngày tránh thai Thế giới 26/9; Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10; Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Xây dựng và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ trong hoạt động của Hội phụ nữ, Hội Nông dân như “Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và Bình đẳng giới”, “Kiểm soát MCBGTKS”, “Dân số - Gia đình - Trẻ em; Cung cấp các tài liệu truyền thông về MCBGTKS; Xây dựng clip tham gia cuộc thi sáng tạo Video clip “Con gái thật tuyệt” trên mạng xã hội. Phối hợp với các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh và giáo viên… về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, bình đẳng giới, MCBGTKS…Triển khai Hội thảo/truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên tại các trường trung học sơ sở/trung học phổ thông. Từ đây, giúp các bạn trẻ có hiểu biết, kiến thức về Chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Kế hoạch hoá gia đình, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn, giảm tình trạng tảo hôn, tiến tới đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi….

Trong giai đoạn 2018-2022 tỷ số giới tính khi sinh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể: năm 2018: 113,9 nam/100 nữ; năm 2019: 112,8 nam/100 nữ; năm 2020: 112,1 nam/100 nữ; năm 2021: 111,6 nam/100 nữ; năm 2022: 111,2 nam/100 nữ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ nâng cao vai trò vị thế của trẻ em gái trong cộng đồng. Tổ chức 10 cuộc “Tọa đàm, gặp mặt các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái, các cháu có thành tích học tập tốt” tại 10 huyện, thành phố, nhằm xây dựng hình ảnh, giá trị của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình sinh hai con gái, con gái học giỏi, thành đạt, con gái chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà; đồng thời tạo cơ hội cho các gia đình được gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý về xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.  Thực hiện các hoạt động để xây dựng chuẩn mực, giá trị phù hợp thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới, kiểm soát MCBGTKS thông qua hương ước, quy ước tại cộng đồng, cấp phát “Tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS trong hương ước, quy ước của làng, bản, cụm dân cư” và hỗ trợ triển khai tại cộng đồng.  Thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc tiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, hiện nay tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Hoà Bình đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Do vậy cần tích cực thực hiện các giải pháp nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên./.