DetailController

Khoa học - Môi trường

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở quản lý, xử lý chất thải

13/05/2022 00:00
Hiện nay, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động xử lý, tái chế chất thải. Qua đó đã điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, xử lý chất thải hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở, doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục và thử nghiệm truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Quy trình quản lý nguồn thải tại các cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhà đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải đã đáp ứng các tiêu chuẩn trong việc thẩm định cấp phép về đầu tư, xây dựng; thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; cấp phép về khoáng sản, tài nguyên nước.

Để giảm thiểu việc phát sinh bụi, khí thải và nước thải ô nhiễm, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho công tác quản lý của Nhà nước như giám sát, cập nhật liên tục dữ liệu môi trường; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp thuộc đối tượng lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục thực hiện lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư, lắp đặt, truyền và tiếp nhận số liệu quan trắc tự động, liên tục đã hoàn thành. Hệ thống đi vào vận hành ổn định, dữ liệu quan trắc tự động liên tục truyền về từ các cơ sở, doanh nghiệp và việc truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4/9 cơ sở, doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục và thử nghiệm truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, gồm: Nhà máy nước sạch sông Đà - Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Hiếu Hưng, Khu xử lý chất thải - Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, Nhà máy Xi măng Trung Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh. Trong đó có 2/4 cơ sở, doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận chính thức tiếp nhận dữ liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh định hướng đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong thời gian tới. Toàn tỉnh hiện có 3 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Các dự án sau khi hoàn thành và hoạt động đủ công suất sẽ giúp giảm tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Cụ thể, trên địa bàn thành phố đang xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải do Công ty Cổ phần môi trường năng lượng Bắc Việt làm chủ đầu tư. Dự án hoạt động với công suất thiết kế là 190 tấn/ngày. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều chỉnh quy mô khu xử lý từ 10 ha lên 50 ha. Trong đó, bao gồm diện tích khu xử lý chất thải, diện tích cây xanh, mặt nước tạo thành vành đai bảo vệ môi trường. Tại huyện Lạc Thủy có 1 Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Râm với quy mô dự án 10,6 ha. Dự án đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp cho địa bàn huyện Lạc Thủy và thực hiện dịch vụ CTR liên vùng. Tiếp đó, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã, huyện Yên Thủy. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 35 tỷ đồng, với diện tích khoảng 3,6 ha. Khu xử lý đang tiến hành xây dựng.

Song song với giải pháp công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp để quản lý, xử lý rác thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong giai đoạn tới, Cụ thể là: Quy định quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ và thẩm định công nghệ dự án đầu tư; tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí; quy định về phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn, tăng cường công tác Quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Ủy ban nhân dân các huyện, thành ph có các giải pháp tối ưu hóa quá trình thu gom, vận chuyển, xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết, thực hiện giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn.

Với những giải pháp tổng thể, bài bản, giúp tỉnh giải quyết vấn đề xử lý rác thải theo hướng tối ưu về môi trường, phù hợp với đô thị văn minh, hiện đại.