DetailController

Văn hóa

Không gian văn hoá Mường

22/06/2010 00:00

Người bạn vong niên của tôi, anh Vũ Hiếu đã lập bảo tàng tư nhân đầu tiên trong cả nước về văn hoá dân tộc Mường được cấp phép (hiện nay cả nước có mười bảo tàng tư nhân chủ yếu về tranh, đồ gốm, và một số đề tài khác). Gọi “bảo tàng” cho oai, chứ hiện nay cơ chế bảo tàng tư nhân vẫn chưa hoàn thiện, nên những người sưu tập tranh, cổ vật, mặc dù rất muốn, vẫn e ngại về vị thế bảo tàng tư nhân của mình. Vũ Hiếu gọi đó là không gian văn hoá Mường. Nơi này cách thành phố Hoà Bình 7km, đi về ngã ba dốc Cun, rồi rẽ vào đường Tây Tiến. Con đường cũng mới được đặt tên theo đề nghị của các lão chiến sĩ vệ quốc xưa; ngày trước khi chưa có công trình thuỷ lợi Hoà Bình, người ta có thể lên Tây Bắc bằng con đường này. Nay con đường chỉ có thể dẫn ta đến sát vùng hồ với nhiều bản làng của người Mường.

Khu nhà sàn Mường trong bảo tàng Không gian văn hoá Mường của Vũ Hiếu ở Hoà Bình.

 

Tôi không rõ tình cảm với văn hoá và người Mường của Vũ Hiếu, mà bản thân văn hoá Mường cũng không có quá nhiều cổ vật có giá trị như những người chơi cổ vật thường quan niệm, nhưng có lẽ anh nghĩ đó là sự phong phú của cuộc sống ít vật chất, gần với tự nhiên. Công việc của một người phục dựng không gian văn hoá là đọc ra từ đó đời sống của một tộc người. Người Mường sinh hoạt trên nhà sàn, canh tác dưới ruộng, hái lượm trên rừng, với đời sống khá giản dị, không có nhiều di vật như các sắc tộc khác, ngay y phục cũng chỉ cạp váy là có hoa văn, và bây giờ thì cũng ít cô gái mặc y phục truyền thống dân tộc. Tất cả những đồ mà Vũ Hiếu sưu tập, chỉ là nhà sàn, nông cụ, đồ gia dụng mây tre đan, ít đồ gốm, vài đồ tín ngưỡng. Mỗi cái hom, cái giỏ, cái cày, cái bừa, đều có một đời sống nhất định, càng ở nơi ít hình thức vật chất chúng càng cô đọng nhiều vấn đề của con người.
Giỏ đựng cua cá bắt dưới suối, đan bằng tre, tiếng Mường gọi là màm. Hiện vật sưu tập và trưng bày trong bảo tàng Văn hoá Mường
 
Công việc này vô hình trung dẫn anh đi vào con đường đến bản Mường theo dấu chân của nhiều học giả, trong đó có bà Jeanne Cuisinier (1890 – 1964), người viết cuốn Les Mường xuất bản năm 1948, đã sống gần hết cuộc đời mình ở Đông Dương; và cô Madeleine Colani (1866 – 1943), nhà khảo cổ học, được gọi là “cô” vì không lấy chồng. Tại Thanh Hoá, tôi cũng mới gặp ông Hoàng Anh Nhân, một nhà nghiên cứu về văn hoá phi vật thể Mường, ông có hai cuốn ghi chép lại Mo Mường nổi tiếng là Đẻ đất đẻ nước và Mo lên trời, cùng hàng chục cuốn sách khác về văn hoá Mường. Đó có thể coi là những sử thi về cội nguồn của người Việt Mường. Cuốn Mo lên trời rất thú vị. Người chết trước khi vào Mường trời cần qua nhiều đợt chất vấn về công tội. Con gà kể tội anh ta cắt tiết, luộc chúng trong nước sôi, đánh chén lòng mề... Anh ta kể công làm chuồng gà, cho ăn thóc, nâng niu từng quả trứng. Con lợn kể tội anh ta giết thịt, băm hành xào xáo, mở cỗ bàn... Anh ta kể công nuôi nấng, làm chuồng, cho ăn cám, hót phân. Thế là công tội hoà nhau, và nhiều chất vấn như thế, rồi người tốt được vào Mường trời.

Khi viết những dòng cuối cùng của bản thảo cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tôi chợt nhìn thấy gốc gác của những đồ nông cụ Việt có liên hệ sâu sắc với nông cụ Mường, nên muốn dành nhiều thời gian đi theo con đường Vũ Hiếu đang lựa chọn. Có một sự khác nhau căn bản giữa văn hoá Mường và Việt, là con thuyền không đóng vai trò gì với người Mường, nhưng lại rất quan trọng với người Việt: văn hoá Việt là văn hoá của sông nước. Người Mường không biết đóng thuyền, nếu có con thuyền đi trên sông, họ nhìn theo rồi lững thững đi, và đó có thể là con thuyền của người Thái. Còn ngoài cái đó ra, mọi cái khác như chung một gốc, tất nhiên trước tiên là ngôn ngữ và canh tác. Ông Phan Bảo, hoạ sĩ xứ Thanh, người rất quan tâm đến văn hoá dân tộc, cho người Mường và người Việt đích xác là một gốc. Ông nói người Mường có câu: mol miêêng hay mol chơ – người ta hay người chợ (tức người ở ta hay người kẻ chợ – là người Kinh). Chữ mol chỉ có nghĩa là “người”, không phải là tên riêng. Ông còn nói rằng người Mường có những đặc tính sau: không bao giờ nói tục, không chửi nhau, vợ chồng anh em lúc nào cũng hoà thuận, và không bao giờ đánh trẻ con. Người Mường và người Thái là hai sắc tộc hiền hoà, họ không có tam giáo Nho – Lão – Phật như những dân tộc khác, hay là vì họ không có những đạo ấy mà bình yên nhỉ?