DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Không để trâu bò đói, rét và dịch bệnh

07/01/2011 00:00
Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Tam ở xóm Nghĩa, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn chúng tôi thực sự yên tâm khi đàn trâu hơn 10 con được chăm sóc chu đáo, nuôi nhốt trong chuồng có che chắn cẩn thận không bị gió lùa, mưa hắt, vệ sinh sạch sẽ. Nhà ông còn chuẩn bị sẵn một cây rơm, dăm tạ bột ngô và trồng thêm 300m2 cỏ voi làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu bò trong suốt mùa đông giá rét. Ông Tam cho biết, từ hai năm trở lại đây các hộ chăn nuôi ở thị trấn Vụ Bản đều nuôi nhốt và làm thức ăn dự trữ cho trâu bò trong vụ đông.
Những năm gần đây, gia đình Bùi Văn Tam ở xóm Nghĩa, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn đã thực hiện nuôi nhốt, dự trữ thức ăn bảo đảm an toàn cho đàn trâu trong mùa đông giá rét.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 200 nghìn con trâu, bò, luôn được bảo vệ an toàn, không bị chết do đói, rét và dịch bệnh trong các đợt rét đậm, rét hại. Theo Chi cục Trưởng Thú y Lương Thanh Hải, đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo ráo riết của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

 Từ đầu tháng 11-2010, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ chiêm xuân 2010 - 2011, trong đó nhấn mạnh nội dung chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu bò như củng cố chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, đủ điều kiện phòng, chống đói rét và dịch bệnh; chủ động dùng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu bò trong mùa đông. Mỗi hộ chăn nuôi trâu bò phải có một cây rơm, trên cơ sở ước tính bình quân mỗi con trâu, bò cần khoảng 7kg rơm khô/ngày; di chuyển đàn trâu bò thả rông về nơi nuôi nhốt có thể kiểm soát được; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chống đói, rét và dịch bệnh cho trâu bò đến tận các hộ chăn nuôi...
 
UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp- phát triển nông thôn (NN-PTNT) có trách nhiệm hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật cụ thể. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho nhân dân hiểu và biết cách tự bảo vệ đàn trâu bò. Theo đó, ngành NN-PTNT Hòa Bình đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ thú y hiện có tỏa về cơ sở mở các lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi và được chia làm hai bước. Bước một, mỗi huyện tổ chức hai lớp thí điểm và 20 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Bước hai, những người đã được tập huấn sẽ là những hạt nhân trong việc truyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ che chắn chuồng trại đến việc dự trữ, chế biến thức ăn.
 
Chi cục Thú y Hòa Bình còn biên soạn và in sao hàng trăm băng cát sét có nội dung liên quan đến việc phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò cấp cho đài truyền thanh cơ sở để phát thường xuyên trên hệ thống loa công cộng nhằm nhắc nhở bà con không được phép quên công việc này. Trạm Thú y các huyện phối hợp với chính quyền các xã, yêu cầu các hộ chăn nuôi lập bản cam kết thực hiện nuôi nhốt bảo đảm an toàn cho đàn trâu bò.
 
Mỗi đợt rét, lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ ngành NN-PTNT, Chi cục Thú y lại về từng cơ sở để kiểm tra, đốc thúc việc phòng chống đói rét cho đàn trâu bò. Tính ra từ đầu vụ rét đến đầu tháng 1- 2011, lãnh đạo tỉnh cùng ngành NN - PTNT và Chi cục Thú y đã thực hiện ba đợt kiểm tra về chuyên đề này. Trong các đợt rét, hằng ngày Chi cục Thú ý đều gọi điện thoại nhắc nhở trạm Thú y các huyện và các cán bộ thú y cơ sở đến từng nhà dân để kiểm tra, hướng dẫn việc phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn trâu bò.
 
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các biện pháp, đến nay đã có hơn 90% số hộ dân có chăn nuôi trâu bò  ở tỉnh ta làm chuồng trại, dự trữ khoảng 120 nghìn cây rơm, rạ làm thức khô cho đàn trâu bò. Nông dân các huyên Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi còn chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò. Trong những đợt rét vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi ở Hòa Bình còn nấu cháo ngô “bồi dưỡng” cho đàn trâu bò. Điều này cho thấy, nhận thức và tập quán chăn nuôi của nông dân từng được thay đổi theo hướng tích cực. Đàn trâu bò được bảo vệ an toàn và phát triển tốt hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta./.