Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên trong khoảng thời gian từ ngày 09/1/2020 đến 14/1/2020 Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân phát trực tiếp 8 video có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam. Theo đó, Trịnh Bá Tư là người sử dụng điện thoại di động, sử dụng tài khoản Facebook của mình trực tiếp nói, phát trực tiếp 1 video; sử dụng tài khoản Facebook của mẹ là Cấn Thị Thêu trực tiếp nói và phát trực tiếp 5 video. Ngoài ra, còn có 2 video Trịnh Bá Tư sử dụng điện thoại để quy, mớm lời cho Cấn Thị Thêu nói. Các video trên đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Các video vi phạm của Trịnh Bá tư và Cấn Thị Thêu phát, đăng tải đã được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước theo dõi, bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân nhằm chống Nhà nước. Đáng nói, các đối tượng này còn đăng, phát cả những video chứa nội dung kêu gọi, kích động nhân dân chống chính quyền; đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội) vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, các ngành, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...
Quá trình khái xét nơi ở của các bị cáo, cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu. Các tài liệu này được cơ quan chức năng xác định đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Với hành vi vi phạm như trên và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, tại phiên tòa xét xử sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Tư 8 năm tù; bị cáo Cấn Thị Thêu 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được quy định tại Khoản 1, Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm.
Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã có đơn kháng cáo Kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội, yêu cầu HĐXX TAND cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả tự do cho các bị cáo.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được làm rõ về hành vi phạm tội của các bị cáo, kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX TAND cấp cao đã bác đơn kháng cáo của các bị cáo. Quyết định giữ nguyên mức hình phạt 8 năm tù dành cho mỗi bị cáo như phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt. Bản án có hiệu lực ngay sau khi HĐXX tuyên án. Nếu không đồng ý với bản án do HĐXX TAND cấp cao tuyên phạt, các bị cáo có quyền làm đơn lên Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Cũng như phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm đã được diễn ra một cách minh bạch, công khai, đúng theo quy định của pháp luật.