Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) đối với cán bộ, công chức (CB-CC) công tác ở vùng dân tộc, miền núi, tỉnh ta đã tổ chức thành công các lớp học tiếng dân tộc Mông và Thái. Đây là kết quả bước đầu cho thấy nỗ lực của tỉnh nhằm khơi thông sức mạnh cho ngôn ngữ DTTS - giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ CB-CC hiện nay.
Anh Bùi Ngọc Đại, cán bộ Sở Nội vụ cho biết: Sau khi ban hành Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 15/2/2008 về việc 15 tỉnh tổ chức chỉnh sửa 19 bộ tài liệu tiếng DTTS đào tạo cho CB-CC công tác ở vùng dân tộc, miền núi, Bộ Nội vụ đã phối hợp với 12 tỉnh, trong đó có tỉnh ta biên soạn xong 12 bộ tài liệu, sau đó bàn giao cho các địa phương có cùng DTTS để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ, nhu cầu đào tạo của địa phương. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho CB-CC công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Tại tỉnh ta, Sở Nội vụ đã nghiêm túc triển khai chỉnh sửa hai bộ tài liệu tiếng dân tộc Thái và Mông. Ban chỉnh sửa, bổ sung do đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng ban đã thống nhất chọn huyện Mai Châu làm địa bàn thu thập tài liệu, nghiên cứu, phân tích để chỉnh sửa, bổ sung các bộ tài liệu. Trong quá trình thực hiện, các nhóm đã tiến hành khảo sát, thu thập tài liệu, nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng dân tộc tại các địa bàn khác nhau trong huyện Mai Châu. Đồng thời phỏng vấn, tham khảo, xin ý kiến các già làng, trưởng bản, những người dân am hiểu về tiếng dân tộc để bổ sung thêm căn cứ cho chỉnh sửa. Sau khi hoàn chỉnh, bộ tài liệu được đưa vào giảng dạy.
Lớp dạy tiếng dân tộc Thái và Mông do Sở Nội vụ tổ chức được khai giảng đầu tháng 11/2010, kết thúc tháng 2/2011. Đây là hai lớp học đầu tiên của tỉnh thực hiện dạy tiếng DTTS cho đối tượng là cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ngành. Mỗi lớp gồm 30 học viên, đến từ nhiều đơn vị như Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Sở VH-TT & DL, GD&ĐT, Công an tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, ủy ban MTTQ tỉnh, Bộ CHQS tỉnh... Chương trình học tập gồm hơn 300 tiết vừa học, vừa nghiên cứu, thực hành, duy trì trong 3 tháng liên tục với mục đích giúp cho học viên có được những nhận thức cơ bản về văn hoá DTTS, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ DTTS, từ đó thuận lợi hơn trong công việc, nhất là trong tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Học viên Hoàng Văn Nam, cán bộ Ban Dân vận Tỉnh uỷ, đang công tác tại phòng dân tộc - tôn giáo. Làm công tác dân vận đã hơn 3 năm nay, bản thân anh đã tiếp cận nhiều với người DTTS. Càng ngày anh càng nhận thấy ngôn ngữ là rào cản khá lớn nên muốn được học ngôn ngữ một số DTTS trên địa bàn để thuận lợi hơn trong giao tiếp, chủ động hơn khi tìm hiểu về văn hoá, con người, phong tục tập quán nơi đây. Đăng ký học lớp tiếng dân tộc Thái, anh xem đây là cơ hội quý, thiết thực và bổ trợ đắc lực cho công việc của mình.
Anh Hoàng Văn Nam trao đổi: Có biết mới hiểu, có hiểu mới tiếp cận và nắm bắt được sâu sát những vấn đề đang diễn ra với người dân. Điều này rất cần thiết đối với những cán bộ làm công tác dân tộc, dân vận như tôi. Nhận thức như vậy, tôi đã tự nguyện đăng ký tham gia lớp học tiếng Thái, không đợi đơn vị cử đi. Kết thúc khoá học, nếu tiếp tục có những lớp dạy tiếng DTTS khác, nhất định tôi sẽ tiếp tục đăng ký tham gia.
Được mời tham gia chương trình với vai trò là thầy giáo dạy tiếng Thái, ông Lường Đức Chôm, xã Trung Thành (Đà Bắc) rất phấn khởi. Hơn 17 năm nghiên cứu văn hoá dân tộc Tày và tích cực tham gia các mạng lưới bảo tồn, phát triển tiếng DTTS, nay ông Chôm vui mừng khi thấy ngôn ngữ DTTS đang bắt đầu được quan tâm đúng mức. Trước hết là chữ Thái và Mông, sau này, ông hy vọng sẽ đến ngôn ngữ của các dân tộc khác như Tày, Mường, Dao... được đưa vào giảng dạy.
Được biết, ngoài lớp học đang thực hiện theo chương trình của Sở Nội vụ, ông Lường Đức Chôm còn mở một lớp dạy chữ Tày ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Thành, thu hút 44 học viên tham gia, người trẻ nhất là 22 tuổi, người cao tuổi nhất cũng ngoài 40. Với lớp học này, ông Chôm có phương pháp giảng dạy đặc biệt nhằm đảm bảo sau 3 tháng, học viên có đủ kiến thức và kỹ năng để truyền dạy chữ Tày cho người dân trong vùng. Người thầy đầy tâm huyết này đang kỳ vọng học viên sẽ là những hạt nhân cơ bản “gieo” những hạt mầm văn hoá dân tộc ra khắp vùng và xa hơn nữa. Có như vậy, sức mạnh của ngôn ngữ DTTS mới phát huy vai trò xứng đáng trong công cuộc xây dựng đất nước - ông Lường Đức Chôm khẳng định.