Ngọc Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn được hưởng chính sách ưu tiên theo chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 8 xóm, 516 hộ, 2.316 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 99%. Trước đây, do điều kiện sản xuất không thuận lợi, thường xuyên hạn hán nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2000 trở lại đây, đời sống của nhân dân các dân tộc xã Ngọc Sơn có nhiều khởi sắc. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sinh hoạt và nhiều công trình phúc lợi khác, nhân dân trong xã đã khắc phục khó khăn, thi đua lao động, sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị địa phương. Mô hình thâm canh cây lúa lai, ngô lai đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hình thành sản xuất hàng hoá. Từ ruộng một vụ cấy lúa bấp bênh đã chuyển sang trồng 2 vụ màu ăn chắc, trong đó lấy cây ngô lai là cây chủ lực, cho năng suất bình quân 40 tạ/ha/vụ. Một số diện tích bưa, bãi cũng được bà con tận dụng trồng lạc, rau đậu, khoai lang. Nếu năm 2005, bình quân thu nhập đầu người của xã chỉ đạt 400kg/người/năm thì đến nay đã đạt 700 kg lương thực/người/năm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng và đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, bình quân mỗi hộ có 2 – 3 con trâu, bò, 5 lợn thịt xuất chuồng/năm.
Đi đôi với phát triển nông nghiệp, xã chú trọng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó diện tích rừng già, rừng đầu nguồn không bị cháy, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác, buôn bán gồ đã được hạn chế. Một số trang trại rừng hình thành trồng các loại cây bản địa, bương, tre kết hợp chăn nuôi góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển vốn rừng. Độ che phủ rừng của xã đạt tới trên 80%.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân trong xã có nhiều cải thiện. Hầu hết hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 87% hộ được dùng nước hợp vệ sinh, gần 90% hộ có ti vi, xe máy, hàng năm duy trì 80% hộ gia đình dạt tiêu chuẩn văn hoá, trong dó có 1 làng văn hoá cấp tỉnh, 4 làng văn hoá cấp huyện. Mọi mặt văn hoá, xã hội được duy trì, đẩy mạnh, 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường, tỷ lệ chuyển cấp đạt trên 95%. Trong những năm qua, các ngành, đoàn thể đã quan tâm mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, trồng trọt góp phần nâng cao mặt bàng dân trí, tạo thuận lợi cho bà con nhân dân trong xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế bền vững. Nhân dân chung sức xây dựng quê hương, thực hiện tốt chính sách về dân tộc của Đảng, nhà nước.