DetailController

Văn hóa

Khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới

31/03/2014 00:00

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí liên quan đến ngành Văn hóa là: Cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) và văn hóa (tiêu chí 16). Đến nay, tiêu chí về văn hóa toàn tỉnh đã có 79/191 xã đạt, nhưng tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa thì chưa có xã nào đạt. Việc thực hiện tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa đang là điểm “nghẽn” ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 Sau hơn 3 năm bắt tay xây dựng, xã Tân Mỹ huyện Lạc Sơn đã có những chuyển biến đáng kể, bộ mặt nông thôn dần được thay đổi. Những công trình mới đang được tăng tốc để kịp về đích 19 tiêu chí vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, việc hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, đang là một trong những khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo đề án NTM của xã trước đây, để thực hiện tiêu chí số 6, xã Tân Mỹ phải xây dựng 1 Trung tâm Văn hóa – Thể thao  và 21 xóm còn lại đều phải có trụ sở nhà văn hóa – khu thể thao, quy mô tối thiểu 2.500 m2, kinh phí khoảng trên 1 tỷ đồng cho một trụ sở.  Tính chung lại tổng kinh phí để hoàn thiện tiêu chí này lên đến con số hàng chục tỷ đồng. Một con số quá lớn so với thực lực của 1 xã miền núi.  Đó là chưa kể đến các kinh phí khác như trang thiết bị, kinh phí đào tạo cán bộ quản lý …Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay tại xã Tân Mỹ cũng như một số địa phương khác là mặc dù xã đã giành được quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa nhưng do không có kinh phí nên chí có một số thôn là có nhà văn hóa kiên cố để sinh hoạt cộng đồng còn lại các thôn khác phải mượn tạm nhà dân để sinh hoạt nên rất bất tiện cho cả chủ hộ và người dân.

      Còn đối với xã Hương Nhượng do điều kiện kinh tế nhân dân còn khó khăn nên việc huy động các nguồn lực của Đảng bộ chính quyền nơi đây để đầu tư cho cơ sở vật chất văn hóa là không dễ. Hiện tại, khu trung tâm văn hóa xã cũng đã được quy hoạch quỹ đất, nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn xây dựng rất khó. Hàng năm, các nguồn vốn của xã cũng đang tập trung vào các công trình hạ tầng khác như đường giao thông, trường học….Chưa kể tình trạng xuống cấp của các nhà văn hóa ở các thôn trên địa bàn xã. Qua khảo sát tại thôn Vín Hạ, do nhà văn hóa đã xây dựng từ lâu  mái đã dột và vách đã rách nên gây khó khăn cho việc sinh hoạt cộng đồng của gần 150 hộ dân nơi đây. Mặc dù các hộ dân trong xóm đã nhiều lần sửa chữa khắc phục tuy nhiên, vào mùa mưa bão có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

  Tiêu chí đề ra 2 chỉ tiêu: thứ nhất nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn (diện tích khu đất trung tâm văn hóa, thể thao 1.500 m2, quy mô xây dựng nhà văn hóa đa năng tối thiểu 250 chỗ ngồi, có 4 phòng chức năng, sân bóng đá 90m x 120m). Chỉ tiêu thứ hai về nhà văn hóa xóm, bản diện tích 300 m2, hội trường ít nhất 80 chỗ ngồi, có trang thiết bị, sân khấu 25m2, sân tập thể thao đơn giản từ 200m2 trở lên, có công trình phụ trợ như nhà để xe, khu vệ sinh, tường rào. Hiện nay, ngay cả trên địa bàn Thành phố Hòa Bình, tiêu chí số 16 cũng đang là một bài toán khó. Hiện tại, sân bóng đá, bóng chuyền của các xã, các phường đều chưa đạt chuẩn về diện tích. Hàng năm, các hoạt động về lễ hội văn hóa, thể thao đều rất thiếu thốn về sân bãi, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thể thao hàng ngày của nhân dân. Nguyên nhân chính vẫn là không có kinh phí để xây dựng….

   Thực tế về việc triển khai tiêu chí số 6 ở xã Hương Nhượng và Tân Mỹ huyện lạc Sơn cũng là tình hình chung của hầu hết các xã khác trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu thực tế tại huyện lạc Sơn trong năm 2013, toàn huyện không có xã nào đạt tiêu số về cơ sở vật chất văn hóa. Bên cạnh đó, là việc khó khăn trong  tìm kiếm kinh phí xây dựng là nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong quá trình hoàn thiện tiêu chí số 6 về xây dựng NTM ở các địa phương.

     Cũng là một trong các xã điểm NTM của tỉnh Hòa Bình, xã Đồng Tâm huyện Lạc Thủy đang nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2014. Tuy nhiên, với tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa, mà chủ yếu là Nhà văn hóa – khu thể thao thôn ở địa phương cũng đang gặp khó khăn. Thực tế tìm hiểu, nhà văn hóa thôn Đồng Phú. là một trong những nhà văn hóa gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Do tiếp nhận lại khu nhà của trường mầm non xã Đồng Tâm để sử dụng làm nhà văn hóa thôn với diện tích 40m2. Sau khi tiếp quản lại, người dân trong thôn Đồng Phú đã tự vận động q­uên góp kinh phí để sửa chữa và nâng cấp lại như: trát lại tường, làm ngói mới, mua sắm các trang thiết bị như loa, đài, khẩu hiệu, bàn ghế để phục vụ cho sinh hoạt, hội họp. Tuy nhiên, diện tích của nhà văn hóa còn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ngồi sinh hoạt, hội họp cho người dân trong thôn. Đặc biêt, phần sân của Nhà văn hóa được xây dựng trước đó đã xuống cấp và bị trũng. Mỗi khi mưa lớn, lượng nước trong sân không thoát kịp gây trũng nước, rất bất tiện cho người dân khi tham gia các hoạt động. Để có thể xây dựng 1 nhà văn hóa mới trên diện tích được cho phép đang là 1 vấn đề lớn đạt ra với các cấp chính quyền xã và người dân trong thôn. Bởi, để xây dựng được 1 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn phải mất kinh phí từ 300 đến 350 triệu đồng. Khó khăn hơn là thôn Đồng Phú không nằm trong diện vùng 134. Vì vậy, cần phải có chương trình hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới có thể thực hiện được.

     Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 72% số xóm bản có nhà văn hóa. Đây là bước tiến, kết quả của đề án “Xây dựng nhà văn hóa xóm bản” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 với phương châm nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ. Hệ thống nhà văn hóa đi vào hoạt động phát huy hiệu quả đã khẳng định được vai trò của thiết chế văn hóa quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, dân cư. Tuy nhiên, so với tiêu chí NTM, gần như tất cả đều chưa đạt. Các trang thiết bị chuyên dùng như bàn ghế, phông màn, trang âm, ánh sáng tại các nhà văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ; diện tích, công trình phụ trợ chưa đủ. 28% xóm, bản chưa có nhà văn hóa tập trung ở vùng sâu, xa, cao và khó huy động được sức dân bởi những nơi này tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Có những xóm đăng ký xây dựng nhà văn hoá nhưng do không đủ khả năng kinh tế đã phải chuyển chỉ tiêu cho xóm khác. Có nơi 2 xóm lại xây chung một nhà văn hóa, trong khi theo tiêu chí NTM là mỗi xóm có 1 nhà văn hóa. Đây thực sự là những chỉ tiêu khó khăn đối với vùng miền núi như tỉnh ta. Để nâng cao tỷ lệ xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa, trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân…. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng tình, tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân. Xây dựng nhà văn hóa đáp ứng các tiêu chí NTM góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy KT-XH phát triển.

        Qua thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, đa số các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn. Thông qua các biện pháp tháo gỡ của từng địa phương thì cái khó ở đây không chỉ là nguồn vốn mà chính là ở việc cứng nhắc về quy chuẩn Nhà văn hóa – khu thể thao xã, đặc biệt là đối với thôn, xóm.  Những giải pháp cũng đã được đề xuất, kiến nghị, trong đó nhiều địa phương đều đề nghị sự đầu tư của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế thì các địa phương cũng nên chú trọng xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện thành công tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Hy vọng, những giải pháp bước đầu hôm nay sẽ là tiền đề quan trọng để các năm tiếp theo các địa phương còn lại sẽ hoàn thành tốt tiêu chí này với kinh phí ít tốn kém nhất, mà vẫn đảm bảo phục vụ tốt đời sống tinh thần cho người dân./.