DetailController

Giáo dục

Khó khăn trong giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non ở huyện Tân Lạc

25/06/2010 00:00

 Cô giáo Đỗ Thị Mai Anh, Hiệu trưởng Trường PTCS Bắc Sơn chia sẻ: Bắc Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm đầu tư nhiều cho giáo dục, nhưng hiện tại, xã vẫn đang phải duy trì một trường PTCS với 3 bậc học: Mầm non và Tiểu học và THCS. Riêng bậc học Mầm non năm học 2009-2010 có 6 lớp với 72 trẻ.

Giáo viên mầm non ngoài biên chế lao động vất vả nhưng mức thụ hưởng chưa tương xứng.

 

Tỷ lệ huy động các cháu trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp ngày càng tăng, đội ngũ giáo viên cũng phát triển mạnh về số lượng. Hiện tại nhà trường có 6 cán bộ, giáo viên quản lý, giảng dạy ở bậc học Mầm non, trong đó có 2 biên chế và 4 hợp đồng dài hạn theo Quyết định 161/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những giáo viên hợp đồng trong diện này được hưởng mức lương tối thiểu là 650.000 đồng/tháng, ngoài ra không có khoản hỗ trợ nào khác. Trong khi đó các chị cũng phải đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn như những giáo viên trong biên chế. Trường luôn trong tình trạng thiếu đồ chơi, đồ dùng học tập, trẻ 3,4,5 tuổi vẫn học chung một lớp nên hoạt động dạy và học hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất lại chưa đầy đủ, lớp học còn nằm rải rác ở các chi không tập trung, công trình phụ trợ hầu hết không đảm bảo yêu cầu, không có phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ… Đó cũng là tình trạng chung ở nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Tân Lạc.
 
Năm học 2009-2010, huỵên Tân Lạc có 23/24 xã, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non. Huy động ra lớp 38 nhóm trẻ với 538 cháu, đạt tỷ lệ 23,29%; 172 lớp mẫu giáo với 3.599 cháu đạt tỷ lệ 98,4%. Riêng trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 100%. Có 63/172 lớp mẫu giáo bán trú với 1.764 cháu đạt tỷ lệ 49,01%. Tham gia quản lý, giảng dạy ở bậc học mầm non có 380 người, trong đó có 152 biên chế và 228 người trong diện hợp đồng dài hạn. đội ngũ giáo viên tuy đã có chuyển biến về chất lượng, song còn hạn chế về năng lực và chuyên môn. Tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn còn cao (75/314 người, chiếm 23,89%). Đó cũng là một trong những cái khó trong việc thực hiện chính sách, chế độ cho giáo viên. Thực tế cho đến nay, định suất biên chế đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non theo Thông tư 71/2007/TTLT- BGD&ĐT-BNV ngày 28/7/2007 của Bộ GD &ĐT và Bộ Nội vụ ở huyện Tân Lạc còn chưa được đảm bảo. Hiện tại, các cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu 44 nhân viên dinh dưỡng, thiếu 43 người làm các công việc văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế học đường và phần lớn các trường chưa có nhân viên bảo vệ.
 
Mặc dù đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên vẫn thiếu, nhưng việc chi trả, chế độ, chính sách cho giáo viên ngoài biên chế đang công tác tại các trường vẫn “mắc” và chưa có hướng mở. Bởi theo đặc thù của địa phương việc thu học phí ở các trường đạt thấp chỉ đủ hỗ trợ một phần cho hoạt động dạy và học, kinh phí chi cho hoạt động dạy và học cũng không đáp ứng được yêu cầu thực tế vì ngân sách cấp theo tỷ lệ giáo viên biên chế của ngành học, do đó không đủ chi cho việc hỗ trợ lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế.
 
Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục huyện đã mạnh dạn đề xuất với ngành, với tỉnh sớm có chế độ tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non hợp đồng dài hạn mà không đủ năng lực giảng dạy. Đồng thời chuyển 100% các trường mầm non bán công sang mô hình trường mầm non công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, cho phép các trường được tuyển dụng và hợp đồng đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nếu được chấp thuận thì đó sẽ là hướng mở để huyện thực hiện đúng đủ, chính sách, chế độ cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, đảm bảo quyền lợi chính đáng và góp phần khích lệ tinh thần cho người lao động, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.