Theo Bà Trần Thị Hường – Giám đốc BHXH huyện, ngoài nguyên nhân này, tỷ lệ học sinh trên địa bàn tham gia BHYT đạt thấp là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác BHYT học sinh. Nhiều trường học chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền vận động để phụ huynh và học sinh tham gia BHYT, mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, vận động phụ huynh đóng góp chứ chưa tuyên truyền sâu về nghĩa vụ cũng như lợi ích khi học sinh tham gia BHYT…Vì thế, phụ huynh và cả học sinh đều chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa xã hội cũng như quyền lợi mà con em mình sẽ được hưởng khi tham gia BHYT, nhiều phụ huynh cho rằng, con em mình khỏe mạnh nên không cần tham gia BHYT do không có nhu cầu khám chữa bệnh. Hoặc một số khác phụ huynh cũng cho biết, họ mua BHYT cho con nhưng ít khi sử dụng do thủ tục khám BHYT rườm rà, mất thời gian chờ đợi. Mặt khác, Luật BHYT hiện đang “làm khó” học sinh vì chỉ khám bệnh trong giờ hành chính, trong khi học sinh phải học cả ngày.
Chính sách BHYT đối với học sinh trước mắt là nguồn hỗ trợ tài chính khi học sinh bị ốm đau, bệnh tật, nhưng sâu xa hơn đó còn là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực tương lai. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác BHYT học sinh, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã tăng cường chỉ đạo các trường học tiếp tục tuyên truyền, vận động học sinh tham gia. Tuy nhiên, công tác này cũng chưa thật sự có hiệu quả. Đối với các Trường có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp, ngành cũng chưa có quy định hay chế tài gì áp dụng, do đó đối với nhiều trường học, Ban giám hiệu cũng thấy rất khó khăn trong công tác này.
Ngoài các trường thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp như THCS Hợp Châu (0,5%), TH & THCS Thanh Lương ( 13%); THPT Cù Chính Lan (14%)…..thì cũng có nhiều trường ở vùng trung tâm, nhân dân có điều kiện kinh tế phát triển nhưng vẫn có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp như: Trường TH Hòa Sơn B (21,9%), Trường THPT Nguyễn Trãi (35,7%), Trường Tiểu học và THCS Cao Thắng (trên 20%). Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lương Sơn cũng cho rằng: Nguyên nhân của việc tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp là do cách tuyên truyền đến người dân còn nhiều hạn chế. Cơ quan BHXH còn bỏ qua nhiều cơ hội tuyên truyền tốt đến phụ huynh học sinh như vào các kỳ họp phụ huynh đầu năm hay cuối các năm học. Nếu chỉ để mặc cho ngành giáo dục hay các trường tự tuyên truyền thì rất khó để cho tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tốt được bởi còn liên quan đến vấn đề chuyên môn, cần phải giải đáp được những thắc mắc của phu huynh hay người dân về những chính sách liên quan đến quyền lợi khi con em họ tham gia BHTY….
Thiết nghĩ, để triển khai tốt chính sách BHYT học trên địa bàn huyện Lương Sơn, ngoài công tác chỉ đạo và chủ động phối hợp, ngành BHXH cũng cần phải chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các nhà trường và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với những giải pháp trên, ngành BHXH cũng cần phải khắc phục những thủ tục rườm rà trong chi trả BHYT cũng như phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân nói chung và học sinh nói riêng khi đến khám chữa bệnh, tránh sự phân biệt giữa người sử dụng thẻ BHYT và người bệnh đóng phí. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện cũng cần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Phụ huynh có con em trong diện tham gia BHYT cũng cần phải nhận thức rằng, việc tham gia BHYT là trách nhiệm không chỉ đối với bản thân gia đình mình mà còn đối với toàn thể xã hội khi ốm đau, bệnh tật..., con em mình không được tham gia BHYT là một thiệt thòi về quyền lợi, đồng thời là gánh nặng cho gia đình trong trường hợp xảy ra những rủi ro không mong muốn. Có như vậy thì chính sách BHYT mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực./.