Mô hình trồng nấm rơm, mộc nhĩ ở xã Tu Lý (Đà Bắc) được nhiều người biết đến là mô hình làm ăn có lãi, góp phần xóa đói- giảm nghèo, tăng thu nhập gia đình. Trước khi mô hình được Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN chuyển giao, người dân đã biết đến trồng nấm rơm, song quy mô nhỏ, năng suất thấp. Bà Xa Thị Biện - người tham gia mô hình từ những ngày đầu ở xã cho biết: Vài năm về trước, sau khi tận thu thóc, người dân thường đốt hết rơm, rạ. Hành động này vừa gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và tầm nhìn của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay, người dân dường như đã từ bỏ được thói quen đó. Thay vì đốt rơm, rạ, những phế phẩm nông nghiệp này được tận dụng để trồng nấm. Bà cho biết thêm: Mỗi ha lúa cho 5 tấn rơm. Nếu đem sản xuất nấm, mỗi chu kỳ sản xuất kéo dài trong khoảng 75- 80 ngày với 3 lần thu. Ước tính giá nấm trên thị trường hiện nay khoảng trên 30.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ 5 tấn rơm sản xuất nấm thương phẩm đem lại trên 30 triệu đồng. Kết thúc chu kỳ, người dân còn có thể dùng bã bón cho cây trồng.
Ông Trần Đình Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh cho biết: Khi áp dụng vào thực tế, mặc dù hiệu quả chỉ đạt 90% lý thuyết, song mô hình trồng nấm rơm, mộc nhĩ thương phẩm được chuyển giao tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong và trước đây là tại Lạc Thủy, Kỳ Sơn… đã khẳng định những hiệu quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Cùng với đó, năm qua, nhiều mô hình khác đã được Trung tâm chuyển giao đến nhân dân các huyện trên địa bàn tỉnh như: mô hình: chăn nuôi dê núi đá tại xã Dân Hạ, kỹ thuật bảo quản, lưu trữ hồ sơ của phòng Nội vụ (Kỳ Sơn); trồng nấm rơm, mộc nhĩ tại xã Tu Lý (Đà Bắc); chăn nuôi lợn bản địa tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn); sản xuất công nghiệp nấm thương phẩm tại xã Cư Yên (Lương Sơn)… Không chỉ góp phần thay đổi nhận thức cho người dân về hướng phát triển kinh tế, những mô hình được Trung tâm chuyển giao còn hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, song hành các yếu tố: sử dụng, bảo vệ, cải thiện chất lượng đồng ruộng. Do đó, cũng trong năm qua, ngoài 8 mô hình được chuyển giao đến người dân, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị nắm bắt công nghệ, quy trình kỹ thuật… chuyển giao đến người nông dân. Nhằm mục tiêu tận dụng hiệu quả phế phẩm rơm, rạ, Trung tâm đã phối hợp với Công ty CP phân bón PitoHoocmon, xây dựng mô hình trình diễn: sử dụng BIOMIX xử lý rơm, rạ thành phân bón phục vụ sản xuất tại 2 huyện Lạc Sơn, Kim Bôi. Qua đó không chỉ trả lại độ màu cho đất sau mỗi mùa vụ mà còn góp phần cải thiện độ màu cho đồng ruộng. Tiến tới, Trung tâm sẽ tiếp tục chuyển giao đến người dân công nghệ xử lý quặng phốt pho rít sẵn có tại địa phương thành lân dễ tiêu bón cho cây trồng.
Cũng theo ông Trần Đình Thắng, hiện nay, phương thức chuyển giao KHCN đến người nông dân được áp dụng phổ biến là xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu đến đồng ruộng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay Trung tâm gặp phải là hạn chế kinh phí nhân rộng mô hình, do đó, việc mô hình ứng dụng thực sự có hiệu quả, song không thể nhân rộng và “chết yểu” không phải là không có. Trong năm tiếp theo, Trung tâm hướng đến tiếp cận mọi đề tài, dự án KHCN của tỉnh nhằm triệt để đưa nghiên cứu có tính ứng dụng vào thực tiễn.