DetailController

Văn hóa

Khát vọng Mường Động

07/02/2011 00:00
Những ngày đầu xuân đến với quê hương Mường Động, dọc hai bên đường những vườn hoa mận, hoa mơ nở trắng báo hiệu một năm mới gặt nhiều bội thu và hạnh phúc tràn trề. Tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, len lỏi trong từng bản làng, ngõ xóm, tạo nên một nét riêng truyền thống của người Mường trong ngày hội vui xuân.
Khu du lịch sinh thái Thác bạc long cung, xã Tú Sơn, Kim Bôi thu hút nhiều du khách

Mùa xuân không chỉ tràn ngập trên các vạt núi, cánh rừng, mùa xuân đã thực sự ập vào và ngự trị trong từng nhà của mỗi xóm, bản người Mường này. Trên khắp các con đường làng ngõ xóm, với niềm vui khôn tả, nhìn những đứa trẻ bi bô chạy quanh những gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa… chúng tôi tin tưởng rằng mùa xuân trên quê hương Mường Động chắc chắn sẽ ấm áp và tràn ngập niềm vui. Các đường làng ngõ phố náo nức không khí đón xuân. Mới sáng sớm đã thấy thấp thoáng bóng dáng các mẹ các chị cõng những sản phẩm của gia đình mình đến chợ, ai cũng muốn khẩn trương cho kịp, bán thật nhanh để có tiền sắm sửa. Dường như cụm từ “sắp Tết rồi” luôn được người dân ở đây nhắc đến. Không khí rộn lên ở các xóm bản: người chẻ lạt, người hái lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, và hầu như nhà nào cũng giữ phong tục cũ là đun một nồi nước lá thơm cho cả nhà cùng tắm để xua đi những điều không may mắn trong năm cũ và mong năm mới sáng sủa hơn, may mắn hơn. Mế Bùi Thị Đăng, ở xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến đang quẩy quang gánh gà đồi chính hiệu xuống chợ Rạnh bán, vui vẻ cho biết: “Ngày tết phải có quần áo thật đẹp, thật mới để đi chơi lễ hội, đi tạ ơn thần linh. Năm nay được mùa, phải cho con cháu ăn một cái tết thật to, thật ngon mới được...”

Là một Mường lớn trong 4 vùng đất cổ Hòa Bình, tập trung 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường, huyện Kim Bôi một thời gian dài “nổi tiếng” là lắm hủ tục và nghèo đói. Vùng quê thuần nông nhưng ruộng đồng thì cằn cỗi, cây lúa mọc lên vàng vọt, đất đồi gò rộng lớn  nhưng chỉ trồng được cây sắn, bắp ngô. Thế nhưng, nhờ sự năng động của Đảng bộ và chính quyền trong việc tích cực lãnh đạo nhân dân đẩy lùi những hủ tục và nghèo đói bằng cách phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, đồng thời nhờ có những dự án lớn đầu tư trên địa bàn huyện, đặc biệt là hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ kịp thời của quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc mà Kim Bôi đang có những đổi thay nhanh chóng.

Mỗi lần về với vùng đất Mường Động chúng tôi vẫn ngạc nhiên bởi huyện Kim Bôi đang từng ngày đổi mới. Vẫn mảnh đất ấy, con người ấy nhưng nếp nghĩ, cách làm đã có nhiều đổi thay. Không chỉ là những khu du lịch Suối khoáng, Thác bạc long cung nổi tiếng gần xa, hay thị trấn Bo đang từng ngày đô thị hóa mà nơi đây còn có những con người cần cù, yêu lao động để làm nên những cánh đồng cho năng suất cao. Đại hội lần thứ XX Đảng bộ huyện Kim Bôi nhiệm kỳ 2005-2010 xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn huyện, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh chỉ đạo của các cấp, các ngành và đoàn thể nhằm tạo bước đột phá của kinh tế nông lâm nghiệp phù hợp với tình hình của địa phương và cơ chế sản xuất hàng hoá, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. 4 đề án phát triển nông lâm nghiệp (đề án cánh đồng thu nhập cao; đề án dồn điền đổi thửa; đề án trồng cỏ chăn nuôi trâu bò tại chuồng; đề án trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả) giai đoạn 2005-2010 thực hiện thành công đã đem lại diện mạo mới cho vùng đất Mường Động. Không còn cảnh đồi trọc, đất để hoang như những năm về trước, người nông dân đã biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, chọn cây, con phù hợp để đưa vào nuôi trồng. Nhiều trang trại trồng rừng, cây ăn quả, như nhãn, vải….. kết hợp với chăn nuôi lớn đã được hình thành và phát triển cho thu nhập khá.

Giờ đây, mỗi độ xuân về cũng là lúc đồng đất Kim Bôi nảy nở mầm xanh nhựa sống mới, 27 xã, thị trấn trong toàn huyện đã xây dựng thành công 142 cánh đồng cho thu nhập cao, với bình quân 1 cánh đồng có diện tích 4,43 ha, nông nghiệp của Kim Bôi đã theo hướng sản xuất hàng hóa. Xuân Tân Mão 2011 năm nay, Kim Bôi như được nhân thêm nhiều niềm vui khi đời sống kinh tế văn hóa của đồng bào Mường Động có nhiều khởi sắc. Người dân năng động, tự chủ hơn trong nền kinh tế thị trường và nỗ lực lao động sản xuất, bám đất, bám ruộng. Không chỉ phát triển nông nghiệp, Kim Bôi còn đẩy mạnh phát triển CN- TTCN, du lịch dịch vụ. Đến nay huyện đã thu hút 7 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Năm 2010, huyện Kim Bôi đã đón trên 110 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng đem lại doanh thu trên 80 tỉ đồng... Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được tăng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8,2 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 23%.

Những ngày đầu xuân đến với quê hương Mường Động, hẳn ai cũng sẽ được nghe giai điệu đặc sắc của người Mường phát ra từ tiếng vang vọng của cồng chiêng trong bản Mường xa. Có nhà thơ đã ví tiếng chiêng Mường như tiếng sấm rơi gọi mùa màng sinh sôi nảy nở, tiếng chiêng ngân nga như dòng suối mát quê hương, lúc bay bổng, lúc dặt dìu, có lúc lại ầm ào như suối ngàn, lúc lại khoan thai, nhẹ nhõm, vui tươi. Tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, len lỏi trong từng bản làng, ngõ xóm, tạo nên một nét riêng truyền thống của người Mường Động trong ngày hội vui xuân. Nhưng thực ra giai điệu ấy là đang hoà trong tiếng hát, điệu múa “ Mừng mùa xuân về” của các cô gái bản Mường. Không chỉ tết đến xuân về đội văn nghệ cồng chiêng của huyện hay các xã mới tham gia biểu diễn các tiết mục mà ngay cả trong ngày lễ hội của làng, hội nghị của xã, đội văn nghệ cũng đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân. Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đội văn nghệ luôn duy trì hát biểu diễn các tiết mục bằng tiếng Mường.

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Đảng bộ và chính quyền huyện lại tổ chức đi thăm hỏi, chúc tết và tặng quà các hộ gia đình chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi nhà đều có Tết. Ngoài ra các xã còn tổ chức cho các đội thi đấu bóng chuyền, bắn nỏ, ném còn để đồng bào được đón Tết vui tươi, lành mạnh.

Tạm biệt Mường Động – vùng quê anh hùng có nhiều khởi sắc, những khúc hát ân tình và âm hưởng của tiếng cồng chiêng đã theo chúng tôi suốt nẻo đường dài, qua điệp trùng đồi núi về nơi phố thị. Một năm mới đã đến, một năm với nhiều thắng lợi và niềm tin về cuộc sống ấm no hơn, giàu đẹp hơn sẽ đến với người dân Mường Động