
Trong những năm qua, thực hiện công tác dạy nghề, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và tạo việc làm cho người lao động (theo Đề án 1956) đã được huyện Tân Lạc thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chương trình đào tạo nghề đều được gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng đều hàng năm, các ngành nghề đào tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, phần lớn lao động sau khi được đào tạo, đã phát huy, vận dụng kiến thức trong lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Tính riêng năm 2013, tổng kinh phí hỗ trợ cho dạy nghề lao động nông thôn từ nguồn kinh phí Trung ương là 500 triệu đồng, đào tạo cho 265 lao động. Từ năm 2011, qua đào tạo nghề số lao động nông thôn tự tạo việc làm sau đào tạo là 378 người, số hộ được vay vốn từ ngân sách hành chính sách xã hội, quỹ quốc gia giải quyết việc làm sau học nghề 285 người chiếm 75,4%. Xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân, thu hút được nhiều lao động tham gia, điển hình là mô hình dạy nghề dệt thổ cẩm tại 2 hợp tác xã Vọng Ngàn, xã Mãn Đức và hợp tác xã Suối 2 tại xã Thanh Hối; Mô hình trồng cây có múi tại các xã Địch Giáo, Thanh Hối, Mãn Đức; Mô hình chăn nuôi tại xã Ngọc Mỹ, Mỹ Hòa, Địch Giáo, Phú Cường.
Tuy nhiên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tân Lạc còn bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn như: Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề còn thấp, người lao động trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, đặc biệt là với những gia đình nông dân bị thu hồi đất; Cơ sở vật chất còn thiếu thốn; các Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện còn chưa được bố trí đủ giáo viên cơ hữu và đảm bảo chất lượng về cơ cấu ngành nghề; tính tự giác học nghề của người lao động chưa cao; số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, nhu cầu cẩn tuyển lao động chưa nhiều; các hoạt động lao động sản xuất vẫn thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu chậm đổi mới nên năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa chưa tương sứng với thời gian và chi phí lao động; việc làm sau đào tạo của học viên còn gặp khó khăn do nguồn vốn để sản xuất học nghề, một số ngành nghề sau đào tạo khó tìm được việc làm vì phụ thuộc vào mùa, vụ, bao tiêu sản phẩm của nhu cầu thị trường…
Tại buôỉ làm việc, huyện Tân lạc có những đề xuất, kiến nghị như: Cần có thêm kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm đảm bảo chất lượng ngày một tốt hơn; Nâng mức hỗ trợ kinh phí cho lao động nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ tiền ăn, đi lại; có chính sách tốt hơn về vay vốn để kinh doanh, sản xuất sau khi học nghề, tạo điều kiện cho người học nghề được thuê đất, diện tích ao, hồ, phương tiện khác sau khi học nghề để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết luận buổi khảo sát sát, đồng chí Hoàng Quang Minh, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh, đánh giá cao những nỗ lực mà huyện Tân Lạc đã làm được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ rõ, huyện cần tập trung thực hiện công tác dạy nghề, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới như: Cần tăng cường chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy nghề. Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, giải quyết việc làm, điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với thực tế. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả cơ sở, vật chất, trang thiết bị hiện có.
Sáng cùng ngày, Đoàn đã đi khảo sát một số mô hình: chăn nuôi gia súc, gia cầm, may mặc tại Xã Thanh Hối (Tân Lạc), Mô hình trồng cây có múi tại xã Mãn Đức (Tân Lạc).