Trong ngày 8/9/2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình lượng mưa đã xảy ra mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi tính đến 16h ngày 8/9/2022 như Thanh Lương, Lương Sơn (308, 4mm), Thanh Hà Lạc Thủy 303mm, Kỳ Sơn, Hòa Bình 288,4mm, Vĩnh Đồng, Kim Bôi (156,6mm), Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia trong những giờ tới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục có mưa to đến rất to. Qua kiểm tra, đoạn kè bờ sông Đà (chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà) đã bị sạt lở từ các đợt mưa, lũ trước. Hiện tại, do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 7/9/2022 đang tiếp tục sạt lở hai bên bờ suối với chiều dài mỗi bên khoảng 80m, đặc biệt là đoạn kè phía bên trái bảo vệ đê Đà Giang bị nước lũ từ suối Chăm đổ ra gây sạt lở, khoét sâu hết phần chân kè, mái kè, đoạn giáp chân cầu đã sạt lở hết cơ kè và đang nguy cơ tiếp tục sạt lở ảnh hưởng đến cầu Đen và các hộ dân sinh sông hai bên bờ.
Thực hiện Công văn số 468/VPTT ngày 07/9/2022 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai Công văn số 127/BCH-VP ngày 08/9/2022 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh về việc khẩn trương ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức tết Trung thu tại các địa phương.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy để giảm nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ trữ nước của các hộ dân.
Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, thuỷ điện, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Rà soát các điểm giao thông trên địa bàn bị ngập úng, có nước chảy xiết, các điểm có nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo, chỉ đạo cắm cột báo độ sâu của nước ở 2 bên ngầm, cắm bảng cảnh báo mực nước cho phép vượt qua cho người và các loại xe cộ (chỗ cột có sơn caro đỏ trắng và vạch số chỉ độ sâu để người dân quyết định có đi qua hay không) ;
Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; cắt cử lực lượng hướng dẫn giao thông, lắp đặt rào chắn tại các ngầm tràn, khu vực trọng điểm; tuyên truyền, triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; tổ chức quản lý, trông giữ, không để để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngập nước; chủ động bố trí lực lượng, đặc biệt lực lượng xung kích cấp xã, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực đưa tin về diễn biến của thời tiết, thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa, bảo đảm thông tin đến được người dân tại các thôn, bản, để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ khi có tình huống xảy ra.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh được phân công phụ trách các địa bàn huyện, thành phố về công tác phòng chống thiên tai thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, các địa phương trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, theo phương châm "Bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình: Kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở; triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; khoanh vùng cắm biển cảnh báo tại vị trí sạt lở trong khu vực đặc biệt khu vực sạt lở gần cầu Đen.
Sở Giao thông vận tải: Chủ trì phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình cập nhật, theo dõi diễn biến tại khu vực chân cầu Đen đã bị sạt lở do mưa lũ, thường xuyên báo cáo tình diễn biến sạt lở và đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường (phụ trách công tác phòng chống thiên tai thành phố Hòa Bình). Thường xuyên kiểm tra đôn đốc UBND thành phố Hòa Bình trong công tác phòng chống thiên tai đặc biệt tại các khu vực đã xảy ra sạt lở.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh qua Văn phòng thường trực (ĐT: 02183852309; email: thuyloihb@gmail.com), trước 15h00 hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất xảy ra để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.