DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Khẩn trương khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3

13/09/2024 16:28
Trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn kèm theo gió lốc kéo dài từ 19h00 ngày 06/9 đến 10/9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có một số diện tích hao màu bị ảnh hưởng: Tổng diện tích bị thiệt hại là 6.728,6 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm.
Mưa lũ gây ngập úng lúa tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy

Trong đó: Thành phố Hòa Bình 401,5 ha; Lương Sơn 1.131,3 ha; Cao Phong 226 ha; Tân Lạc 301,6 ha; Mai Châu 146,25 ha; Kim Bôi 1.470,6 ha; Lạc Thủy 978,79 ha; Yên Thủy 1.230,93 ha; Lạc Sơn 468,15 ha; Đà Bắc 373,5 ha ( ). Chi cục đã tham mưu Sở ban hành văn bản số 2736/SNN-TTBVTV ngày 09/9/2024, về việc tập trung khắc phục thiệt hại khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 3 gửi các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện.

Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị, địa phương chỉ đạo, đôn đốc người dân gieo trồng các loại cây trồng vụ mùa - hè thu trong khung thời vụ tốt nhất, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên diện tích các loại cây đã gieo trồng. Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã gieo trồng được 42.019/44.508 ha bằng 94,41 % so với kế hoạch,

Các địa phương tập trung chăm sóc các loại đã trồng, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đối với diện tích bị ngập úng, huy động lực lượng khơi thống dòng chảy, tiêu nước trong ruộng; đối với những ruộng lúa đã chín (tỷ lệ chín trên 85%) tiến hành thu hoạch, đối với diện tích giai đoạn trỗ - chắc xanh tập trung dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau, bón bổ sung phân bón lá kali ngay sau khi tạnh mưa, nước rút.

Hiện nay, một số loại sâu, bệnh phát sinh gây hại như: Trên cây ăn quả có múi, nhện đỏ, bệnh vàng lá thối rễ, sâu vẽ bùa, bệnh greening, ruồi đục quả, rệp muội, rệp sáp... tiếp tục gây hại rải rác ở các vùng trồng cây có múi; Trên cây mía, sâu đục thân hại rải rác mật độ trung bình 1 - 3 % số cây, rệp sơ bông trắng hại trung bình 2-3% số cây, cao 5-8 % số cây, rệp sáp hại trung bình 1-4% số lá, cao 5-7% số lá,...; Trên cây Sắn, bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh gây hại ở một số huyện Yên Thủy, Tân Lạc... tỷ lệ phổ biến từ 1-3% số cây, cao 7-10% số cây; Trên cây lúa, tập đoàn rầy hại mật độ trung bình 300-500 con/m2, cao 800-1.500 con/m2; Các loại sâu, bệnh gây hại ở mức độ nhẹ và rải rác. Chi cục đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố, hướng dẫn người dân tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, tập trung ở một số loại cây trồng chính theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. 

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung chăm sóc, phòng trừ các loại sâu, bệnh trên các loại cây trồng. Đối với cây ăn quả có múi giai phát triển quả, chú ý một số đối tượng sâu, bệnh: Rệp muội; bệnh loét, rầy chổng cánh, ruồi đục quả, nhện đỏ... Phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, hướng dẫn, chỉ đạo người dân tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ Mùa - Hè thu năm 2024 đã chín. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi làm đất chuẩn bị cho gieo trồng cây vụ đông trà sớm. Chủ động công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng để dự báo sớm, hướng dẫn cơ sở và người nông dân áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng gây hại chính. Đôn đốc các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3 và sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp./.