Cách thị trấn Mường Khến khoảng 3km, cách thành phố Hòa Bình khoảng 33km, mất khoảng 3h xe chạy từ Hà Nội, chúng ta sẽ đến với cửa ngõ của khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, đó chính là xóm Ải.
Xóm Ải được duy trì và bảo tồn là làng Mường cổ, nơi đây là không gian sinh hoạt, cư trú của xóm Mường truyền thống, với diện tích khoảng 20ha, có 88 hộ, 395 nhân khẩu sinh sống, có hơn 50 mái nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Với bản sắc văn hóa bản địa đậm nét truyền thống đặc trưng của người dân tộc Mường vẫn được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn, bắt đầu được du khách biết đến là một điểm du lịch văn hoá cộng đồng trong chuỗi các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng trên mảnh đất Hòa Bình.
Xóm Ải nằm thu mình trong một thung lũng nhỏ với những triền đồi bát úp bao quanh, có dòng suối Ải trong vắt, đầu nguồn là một mó nước nóng thiên nhiên mà người dân trong xóm thường gọi là nguồn suối khoáng. Qua chiếc cầu nhỏ sẽ dẫn chúng ta tới Nhà văn hóa của xóm, được đầu tư từ nguồn kinh phí bảo tồn xóm Mường cổ của Nhà nước, nơi đây thường tập trung bà con trong các dịp trọng đại của xóm.
Nhà văn hóa xóm Ải bà con vui hội đầu xuân
Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản chính là những nếp nhà sàn cổ có kiến trúc theo mô hình con rùa (nhà rùa), đã được ghi chép lại rất rõ trong cuốn sử thi nổi tiếng “ Đẻ đất, đẻ nước”. Theo truyền thuyết, thủa xưa, vị Lang Cun đầu tiên cai quản đất Mường cùng với những nhà dân đi làm nương, làm rẫy, tình cờ phát hiện ra dấu chân rùa nhưng lại nhầm tưởng đó là dấu chân hoãng, nên Lang Cun đã cho người đặt bẫy. Lúc quay trở lại xem, thấy bẫy được một con rùa, kỳ là thay vị rùa cất tiếng nói cầu xin Lang đừng làm thịt mình và để trả ơn hứa sẽ mách cho Lang cách làm nhà để ở:
Bốn chân tôi ấy lên bốn cột nhà
Ba chân tôi nên ba cột trái
Xương sống nên đòn nóc
Xương sườn nên rui, nên mè
Chôn thành cửa vào, cửa ra
Ngó lấy kiếp tôi làm nên nhà ba ngăn chín vóng.
(Trích “ Mo Mường Hòa Bình”)
Nghe nói như vậy Lang Cun liền cởi trói cho rùa, về đến bản Lang bắt tay vào xây dựng ngôi nhà cho mình và cho dân bản dựa trên những mô phỏng từ thân hình, cấu tạo của vị rùa. Cứ thế lan truyền từ bản gần, đến bản xa người Mường đâu đâu đều nô nức làm cho mình những căn nhà sàn đặc trưng của dân tộc mìnhđể ở và cũng từ đó rùa trở thành vị thần linh thiêng được người dân Mường thờ cúng. Câu chuyện này được coi là nguồn gốc sự ra đời của nhà sàn người Mường.
Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản Mường, được dựng ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà gồm 3 tầng, trong đó tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) thường để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Kiến trúc nhà sàn có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng cửa chính, cầu thang, máng nước sinh hoạt và cối đuống thì phải đặt đúng vị trí. Cầu thang chính đặt ở đầu hồi bên phải, nối lên gian nhà ngoài – nơi đặt bàn thờ tổ tiên và chỗ ngồi của người đàn ông, người cao tuổi, tiếp khách nam giới. Cầu thang phụ dành cho phụ nữ, nối lên gian nhà trong, gần sàn phơi và bếp dành cho người phụ nữ gắn với công việc bếp núc và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Cầu thang phải có số bậc lẻ và không được đặt thẳng với cửa chính mà phải dựng vào một cái sảnh gỗ và vuông góc với đòn nóc của nhà.
Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, người Mường ở đây vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như: khung dệt vải, cung, nỏ, dụng cụ làm ruộng, làm nương rẫy… hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.