DetailController

Trồng trọt

Khai thác tiềm năng phát triển Tre Luồng trên địa bàn tỉnh

11/04/2023 17:00
Tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên 459.030 ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 297.861,52 ha, chiếm 64,9%. Đây là tiềm năng lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho phần lớn dân cư nông thôn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Người dân Mai Châu khai thác Tre Luồng cho giá trị kinh tế, tạo việc làm tại chỗ

Tại Hòa Bình, Luồng là loài phổ biến trong nhóm Tre Luồng và có diện tích lớn nhất. Bên cạnh đó còn có một số loài thuộc nhóm Tre Luồng như: bương, vầu, giang, nứa, Tre gai. Tính đến hết năm 2022, diện tích Tre Luồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng trên 17,7 nghìn  ha, trong đó phần lớn là diện tích rừng trồng, phân bổ chủ yếu ở huyện Đà Bắc (trên 7,2 nghìn ha) và Mai Châu (5,2 nghìn ha). Luồng được lựa chọn để canh tác chủ yếu là do kỹ thuật đơn giản, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và từ nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Trồng và kinh doanh Tre Luồng đã và đang góp phần nâng cao sinh kế của các hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là các hộ nghèo và dân tộc thiểu số. Tre, Luồng chủ yếu được cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến tre ghép thanh, bột giấy, đũa, tăm mành và làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh phía bắc như Hà Nội, Thái Bình… Năm 2022, tỉnh Hòa Bình ước tính thu hoạch khoảng 5 triệu cây Tre Luồng, giang, nứa các loại và trên 8 nghìn tấn măng chủ yếu là măng bương, Luồng, lành hanh, Vầu, và Nứa… Tổng thu nhập ước đạt 136 tỷ đồng.

Bên cạnh đó măng là sản phẩm khá phổ biến được thu hái vào các tháng 7, 8, 9 hàng năm từ các loại bương, Luồng, nứa và giang. Măng sau khai thác được bán cho các nhà máy chế biến và thông qua các chợ đầu mối để phân phối đi các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình...

Tính đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 04 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm về Tre, Luồng, Măng. Năm 2022, giá trị hàng hóa của các sản phẩm từ Tre Luồng đạt 50,85 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu 29,083 tỷ đồng; nội địa 21,76 tỷ đồng. Các sản phẩm được xuất khẩu gồm có: Tre ghép thanh sang thị trường Mỹ; Măng sang thị trường các nước Cộng hòa Séc; Nhật Bản …Sản phẩm từ Tre, Luồng đã mang lại thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm Tre Luồng đã và đang cho thấy vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội như tạo việc làm cho người lao động, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường (Tre có thể hấp thụ lượng CO2 cao gấp 5 lần so với cây thân gỗ). Do đó sản phẩm Tre Luồng nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức quốc tế và thị trường thế giới. Tại tỉnh Hòa Bình, Luồng được trồng từ những năm 1980 nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch tre. Hơn nữa Tre Luồng loài mọc nhanh, trong thời gian ngắn đã cho thu nhập ổn định hằng năm. Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên của người tiêu dùng trong và ngoài nước tăng cao; thị trường đối với sản phẩm sản xuất từ Tre Luồng rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp bởi sự khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ, các sản phẩm Tre Luồng công nghiệp như nội thất công nghiệp, ván sàn có thể thay thế các sản phẩm gỗ, đây là cơ hội phát triển cho sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ nói chung và sản phẩm Tre Luồng nói riêng. Đây là cơ hội để tỉnh quy hoạch và phát triển cây Luồng, đưa cây Luồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên hiện nay, rừng Luồng tại tỉnh đa phần đã được trồng và khai thác nhiều năm, nhưng việc trồng và chăm sóc chưa chú trọng đến các biện pháp thâm canh, dẫn đến sự suy giảm về sản lượng, chất lượng (đường kính cây và tỷ lệ măng giảm 20%). Do đó, Luồng của Hòa Bình không đáp ứng được tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp (Luồng phải có đường kính tối thiểu 8cm, dài 8m, 3 tuổi trở lên), và giá bán Luồng của Hòa Bình thấp hơn của Thanh Hóa từ từ 8 – 10%. Luồng thường được khai thác sớm (ít hơn 2 tuổi), dụng cụ khai thác thô sơ, khai thác không đúng kỹ thuật, nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Luồng non. Diện tích Luồng trồng thường ở khu vực đồi núi, xa với điểm thu gom từ 1-3 km nên công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí cao. Chỉ có một số ít doanh nghiệp chế biến có quy mô lớn, công nghệ hiện đại còn lại đa số các doanh nghiệp chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến lạc hậu, khai thác nhiều năm nhưng không được đầu tư mới bởi thiếu nguồn vốn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và hệ số thu hồi nguyên liệu. Tre, Luồng được sử dụng để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như đũa dùng 1 lần, tăm mành… còn chiếm tỷ lệ cao từ đó, hạn chế sự đóng góp của các chuỗi sản phẩm tương ứng cho phát triển kinh tế. Thêm vào đó, sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị Tre, Luồng yếu như giữa các doanh nghiệp chế biến không liên kết với nhau để chia sẻ thông tin và nguồn lực, chưa có hiệp hội Tre Luồng của tỉnh để kết nối thành phần trong chuỗi. Các doanh nghiệp chế biến Tre, Luồng cần liên kết với nhau để tối ưu hóa chi phí giúp cạnh tranh với các sản phẩm Tre, Luồng của Trung Quốc về giá bán, mẫu mã và chất lượng. Các chính sách riêng cho phát triển ngành công nghiệp Tre, Luồng tại tỉnh còn thiếu nên các doanh nghiệp chưa nhận đươc sự hỗ trợ từ chính quyền. Nhà nước và cấp tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến Tre trong việc tiếp cận vốn để đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới công nghệ chế biến, hỗ trợ nông dân trong việc thâm canh, kỹ thuật khai thác.

Để phát huy được giá trị, tiềm năng của sản phẩm Tre Luồng, thời gian tới tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phục tráng rừng Luồng, thông qua một số biện pháp như cải tạo giống Luồng, đầu tư bón phân cho rừng Luồng và trồng mới những diện tích đã bị thoái hóa. Nghiên cứu cải thiện giống Luồng năng xuất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện lập địa của tỉnh và đáp ứng yêu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình quản lý và sản xuất, khai thác Tre, Luồng theo hướng bền vững. Nghiên cứu phát triển giống Tre, Luồng mới để có cây giống phát triển vùng nguyên liệu lớn. Xây dưng các mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh Tre Luồng năng suất cao và tổ chức chuyển giao cho người dân. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và khai thác Tre, Luồng cũng như tuyên truyền, phổ biến lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình trồng Tre, Luồng bền vững là cần thiết. Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường lâm sinh, đường vận chuyển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác Tre, Luồng trên địa bàn tỉnh.

Trong sản xuất cần tập trung phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Tre ghép thanh, măng chế biến đóng gói, và hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung phát triển làng nghề; mô hình hợp tác xã, quan tâm đào tạo nghề cho bà con để chuyên sản xuất các sản phẩm Tre thủ công mỹ nghệ chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá và làm thương hiệu cho các sản phẩm Tre  như: hỗ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong ngoài nước; xây dựng trang web để giới thiệu về doanh nghiệp và các danh mục sản phẩm. Nghiên cứu giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm Tre Luồng, kết nối khách hàng trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp. Phối hợp với chính quyền các xã có vùng nguyên liệu Tre thành lập mô hình hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp chế biến Tre Luồng để thu mua nguyên liệu Tre Luồng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, thương lái, người dân về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong lĩnh vực Tre, Luồng hiện nay. Các cơ quan quản lý trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nói chung, cũng như những đơn vị chịu trách nhiệm quản lý ngành Tre nói riêng cần phối hợp chặt chẽ, đề xuất những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị Tre Luồng./.