DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản Hồ Hòa Bình

06/06/2024 16:30
Hồ thủy điện Hòa Bình (Hồ Hòa Bình) được hình thành sau khi đắp đập ngăn sông Đà xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tạo nên một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải dài 230 km từ Hòa Bình đến Sơn La. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Hồ Hòa Bình nằm trong phạm vi hành chính của thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Dung tích của Hồ Hòa Bình vào khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Hồ Hòa Bình tuy không xây dựng cho mục đích thủy sản, nhưng với điều kiện thuận lợi về mặt nước rộng, dòng chảy phù hợp cho phát triển nuôi cá lồng bè.
Các hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nuôi cá lồng bè trên hồ Hòa Bình trong giai đoạn 2015-2023 phát triển rất nhanh, số lồng nuôi cá, năm 2015 là 2.317 lồng đến năm 2023 là 4.987 lồng, tăng 2.670 lồng, tỷ lệ tăng 115, 23% bình quân tăng 14,4%/năm. Phát triển nuôi cá lồng Hồ Hòa Bình được chú trọng, do vậy sản lượng nuôi trồng tăng mạnh. Sản lượng cá thu hoạch năm 2015 là 1.398 tấn đến năm 2022 là 5.389 tấn tăng 3.991 tấn, tỷ lệ tăng 285,47%, bình quân tăng 35,68%/năm gồm các loài như cá Chiên, cá Lăng chấm, Diêu hồng, cá Trắm đen, cá Bỗng, cá Tầm, Trắm cỏ, cá Rô phi... Hình thức nuôi lồng, bè nuôi gồm lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ, bương, tre, luồng và lồng nuôi cải tiến khung sắt, lưới. Hiện nay có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh như: Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3, Công tỵ TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh tại phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 240 lồng với thể tích 25.920 m3 , Công ty TNHH Thủy sản Hưng Nguyên tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Băc có 180 lồng với thể tích 19.440 m3, Công ty TNHH Thủy sản Mavin Hòa Bình có 10 lồng tròn nhựa HDPE, đường kính 20 m, sâu 6 m và 75 lồng vuông thể tích 3.780 m3.

Mật độ thả nuôi trên Hồ Hòa Bình trung bình đạt 3con/ m3 với năng suất trung bình 15kg/ m3. Đối với các hộ nuôi là đồng bào dân tộc sống ven hồ mặc dù đã được hỗ trợ lồng nuôi nhưng do thiếu vốn, kỹ thuật nên mật độ thả nuôi thấp và thường thả các đối tượng có thể tận dụng thức ăn tự nhiên như: cá trắm cỏ (cho ăn lá sắn, cỏ,..), cá lăng (sử dụng cá tạp từ việc đánh bắt trong hồ) nên năng suất nuôi đạt 10 - 15 kg/ m3. Đối với các hộ nuôi lớn, doanh nghiệp, Hợp tác xã thường nuôi một số loài cá đặc sản như cá Trắm đen, Chép, Bỗng, Ngạnh, Chiên, Lăng chấm, Lăng vàng, Tầm,... với mật độ cao đạt năng suất từ 50 - 60 kg/m3. Các đối tượng thủy sản nuôi trên Hồ Hòa Bình đa dạng phong phú, hiện nay một số loài đang được nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá Rô phi, cá Lăng, Trắm đen, Trắm cỏ, cá Chép, cá Ngạnh, cá Tầm,... Nguồn thức ăn cung cấp cho nuôi trồng thủy sản chủ yếu là từ nguồn thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp.

Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Hồ Hòa Bình có khu hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng và phong phú. Theo kết quả điều tra khu hệ cá hồ thủy điện Hòa Bình có 123 loài thuộc 79 giống, 19 họ; trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học. Hồ Hòa Bình được coi là kho tàng quý giá về nguồn lợi sinh vật và nguồn lợi thủy sản. Trên Hồ Hòa Bình nghề khai thác thủy sản diễn ra khá sôi động với 1.480 chiếc thuyền các loại, 1.300 chiếc lưới các loại và 440 cái vó đèn đang ngày đêm  khai thác thủy sản. Đối tượng khai thác chủ yếu là cá tạp và tôm sông, cá có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ thấp. Sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 1.500 tấn năm 2015 lên 2.400 tấn năm 2023, tăng 900 tấn, tốc độ tăng bình quân về sản lượng đạt 11,2 %/năm. Một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, Anh Vũ, Dầm Xanh, cá Chiên... đang có nguy cơ bị cạn kiệt.

Nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản, bổ sung một số giống, loài thủy sản bản địa, đặc biệt các giống, loài thủy sản quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế, đang bị suy giảm, góp phần thiết thực tái tạo, phục hồi nguồn lợi, đa dạng hóa các giống, loài thủy sản trong các vùng nước tự nhiên và tạo sinh kế cho người dân vùng Hồ Hòa Bình. Trong giai đoạn 2015-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình và chính quyền địa phương đã triển khai thả hơn 246.000 con cá giống các loại (gồm Trắm, Chép, Trôi, Mè, Rô Phi, Trê, Lăng, Chiên, Bỗng, Ngạnh, Chạch Chấu..) trên hồ Thủy điện Hòa Bình. Đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật thủy sản đến 3000 lượt người tại các địa phương; biên soạn, in ấn và phát hành 33.300 tờ rơi, 6.700 poster, cắm 20 pano để tuyên truyên về pháp Luật Thuỷ sản và nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản. Chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động, tổ chức cho các hộ dân khai thác thủy sản, kinh doanh buôn bán ký cam kết không kinh doanh buôn bán, tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc ngư cụ để khai thác thủy sản.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản (03 doanh nghiệp; 01 Hợp tác xã và 06 hộ kinh doanh). Sản phẩm sơ chế, chế biến  chủ yếu là: cá Phi lê, chả cá, ruốc cá, cá kho, cá nướng, cá khô, tôm khô, cá tươi, tôm tươi, cá đóng gói đông lạnh... Có 09 sản phẩm thủy sản chế biến (cá Phi lê, ruốc cá) được chứng nhận OCOP: 05 sản phẩm  đạt 4 sao và 04 sản phẩm đạt 03 sao. Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm trung bình khoảng 850 tấn, chiếm tỷ lệ 11,33 % sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trên Hồ Hòa Bình. Các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên Hồ Hòa Bình khi thu hoạch sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ hoặc đưa về các chợ nông sản đầu mối trung tâm của vùng. Một số lượng cá nuôi có giá trị kinh tế được đưa về tiêu thụ ở các khu đô thị lớn lận cận (Thủ đô Hà Nội) và phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực của khách du lịch Hồ Hòa Bình.

Tỉnh bước đầu xây dựng được thương hiệu cá, tôm Sông Đà, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn nhiệu Cá Sông Đà - Hòa Bình, Tôm Sông Đà - Hòa Bình (gồm cả khai thác và nuôi trồng). Đến năm 2023 đã cấp 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà - Hòa Bình”. Xây dựng được 03 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm: thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Tân Lạc - Mai Châu. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cá Sông Đà và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở nuôi cá tại lòng hồ Hòa Bình xây dựng được thương hiệu và chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội như: Cá sạch sông Đà; cá sạch Cường Thịnh, cá sạch Đà Giang ECO./.