DetailController

Tin từ các đơn vị

Khai thác lợi thế lâm nghiệp, phát triển ngành chế biến lâm sản

07/05/2021 00:00
Với nhiều lợi thế về rừng, những năm qua, trồng rừng được xác định là một trong những hướng đi phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Hòa Bình. Phát triển kinh tế rừng mang lại cơ hội giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhờ cho thu nhập khá, thời gian qua ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ

Phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, từng bước gắn với công nghiệp chế biến đang được nhiều địa phương xác định là hướng đi chủ đạo thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh miền núi Hòa Bình. Phát triển mạnh kinh tế rừng có thể kể đến các địa phương như Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc. Trong đó các hộ chủ yếu tập trung trồng keo, xoan đào, xoan trắng…tuyển chọn các giống mới sinh trưởng tốt, năng suất cao.

Hàng năm tỉnh thực hiện trồng mới từ 6.000 - 7.000 ha. Hiện mật độ che phủ rừng của tỉnh Hòa Bình khá cao, đạt trên 51%.  Ngày càng xuất hiện các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Toàn tỉnh hiện có 253 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 6 nhà máy và xí nghiệp, gồm: Nhà máy MDF Vinafor Tân An (công suất thiết kế: Ván MDF 54.000 m3/năm, ván ghép thanh 2.000m3/năm); nhà máy MDF Phú Thành, Lạc Thủy (công suất 40.000 m3/năm); Công ty cổ phần Sơn Thủy (công suất thiết kế: gỗ ép coppha 18.000 m3/năm, gỗ tròn, xẻ 36.000 m3/năm); nhà máy ván sàn Hòa Bình; Công ty TNHH Phú Đạt – Lương Sơn; Công ty Cổ phần Lâm sản Hòa Bình. Còn lại 247 cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ do tư nhân bỏ vốn đầu tư với trang thiết bị lạc hậu, chủ yếu sản xuất sản phẩm trung gian, chưa có doanh nghiệp chế biến tinh (đồ mộc cao cấp).

Việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng ngày càng có chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao với quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Giảm dần việc bán nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ chế như nguyên liệu giấy, dăm gỗ xuất khẩu hiện nay thay bằng các sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng lớn. Nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường. Số lượng gỗ bán thô giảm: Năm 2016 là 275,6 nghìn m3, năm 2020 còn 274,8 nghìn m3. Sản phẩm qua sơ chế tăng, năm 2016 là 80,6 nghìn m3, năm 2020 là 122,1 nghìn m3. Thành phẩm tăng mạnh: Năm 2016 là 51,1 nghìn m3, đến năm 2020 tăng thêm 125 nghìn m3.

Trong giai đoạn 2016 – 2020 một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nâng cấp nhà xưởng, mở rộng quy mô, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000:2005, GMP…) và quan tâm đến việc xây dựng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt chuẩn OCOP, truy xuất nguồn gốc. Đến năm 2020 đã có 105 sản phẩm của 91 chủ thể tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận 70 sản phẩm của 59 chủ thể, trong đó có 20 sản phẩm 4 sao, 50 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh đó ngân sách nhà nước cùng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã xây dựng và phát triển được hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 243 cơ sở, số người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm là 1.487 lượt người. Nhìn chung, việc phát triển kinh tế rừng đã nâng cao giá trị gỗ hơn cách trồng rừng truyền thống, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng./.