Từ mấy chục năm nay, chúng ta tập trung khai thác kho tàng đó để xây dựng nền múa chuyên nghiệp Việt Nam. Ðã hình thành và phát triển các cơ quan đơn vị bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Trường cao đẳng Múa Việt Nam, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Trường múa TP Hồ Chí Minh, các trường Cao đẳng nghệ thuật Việt Bắc, Tây Bắc... Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp, chúng ta đã có được những tiết mục múa nổi tiếng khai thác từ múa dân gian dân tộc như: Tuần đuốc, Câu chuyện bên dòng sông, Sắc bùa, Những cô gái làng (dân tộc Việt); Mùa ban nở Xòe nhạc, Hương xuân (dân tộc Thái), Xòe chiêng, Khúc dạo đàn then (dân tộc Tày), Múa chuông, Gậy tiền (dân tộc Dao), Khát vọng, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ (dân tộc Chăm), Cánh chim và ánh sáng mặt trời (dân tộc Khmer), Tiếng gọi nơi hoang dã (dân tộc Ê Ðê), múa Ô, múa Khèn của dân tộc Mông...
Ðể có được những điệu múa mang tính kinh điển, sống mãi với thời gian, các thế hệ nghệ sĩ múa đi trước đã phải trèo đèo lội suối, vượt qua bom đạn trong chiến tranh đến tận bản làng xa xôi, hẻo lánh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số thâm nhập thực tế, lấy tài liệu xây dựng các điệu múa. Và, cũng từ đó hình thành nội dung giáo trình truyền dạy, huấn luyện tại các cơ sở đào tạo múa dân gian, dân tộc. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa, múa dân gian dân tộc cũng như các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác đứng trước rất nhiều khó khăn thử thách. 'Ðất diễn' cho nghệ thuật múa dân gian dân tộc ngày càng bị thu hẹp. Thật hiếm có các chương trình dành riêng cho múa dân gian dân tộc, nếu có thường chỉ để phục vụ du khách người nước ngoài. Phần lớn các diễn viên múa phải đi múa minh họa cho các chương trình ca nhạc, đồng diễn trong các lễ hội mới, phục vụ hội nghị... Trong sáu, bảy năm học tập, học sinh trường múa phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức, hằng ngày phải lao động nghệ thuật cật lực. Ấy vậy mà khi ra trường tìm được việc làm đã khó, phấn đấu để có một vị trí nghệ thuật càng khó hơn nhiều. Trong khi đó, thu nhập của các thầy dạy múa, các biên đạo múa rất thấp phải tìm cách mưu sinh và đã xảy ra nhiều điều mà các nghệ sĩ không bao giờ muốn là các điệu múa bị thị trường hóa.
Ðể múa dân gian dân tộc ngày càng có đất diễn rộng lớn, có vị thế trong xã hội đòi hỏi bản thân nó phải đổi mới về chất, cần phát triển theo chiều sâu và phát triển theo hướng lấy bản sắc, đặc điểm riêng của từng dân tộc làm chủ đạo để phát triển. Có thế, nghệ thuật múa dân gian mới phù hợp với cuộc sống hôm nay. Muốn làm được điều đó, không thể không nâng cao chất lượng sáng tác, biên đạo, chất lượng đào tạo múa dân gian dân tộc. Càng trong lúc khó khăn, nghệ thuật múa càng phải có chất lượng cao, càng phải phô diễn được tinh túy độc đáo với sức sống mạnh mẽ của mình. Thầy giỏi, trò giỏi mới xuất hiện diễn viên và tác phẩm đỉnh cao. Thời gian qua, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức những cuộc thi về các tiết mục múa mới, về các tài năng trẻ... có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện để nghệ thuật múa có đất diễn, tiếp cận với công chúng, động viên kịp thời những người có tâm huyết theo đuổi con đường nghệ thuật múa dân gian dân tộc đầy gian nan vất vả này.
Khai thác kho tàng múa dân gian dân tộc nhằm tới hai cái đích: Xây dựng tiết mục và đào tạo, huấn luyện. Cả hai đều phục vụ rất nhiều vào công tác sưu tầm nghiên cứu. Hiện tại chúng ta chỉ mới khai thác chưa thật hoàn thiện vốn múa dân gian của 20 dân tộc. Múa gắn liền với con người ở những vùng văn hóa khác nhau, tập quán, tập tục khai thác. Múa của mỗi dân tộc có một nét riêng, được bắt nguồn từ trong cách sinh hoạt, lao động, lễ hội... với những không gian văn hóa riêng. Các phương tiện để sưu tầm nghiên cứu trước kia rất nghèo nàn thường chỉ được ghi bằng giấy bút và trí nhớ của nghệ sĩ. Bây giờ có rất nhiều phương tiện hiện đại: Máy ghi âm, máy ghi hình, lưu trữ bằng băng, đĩa... Các bản làng, các địa phương lại đang nở rộ phục hồi các điệu múa dân gian dân tộc trong phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'. Giao thông đi lại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện. Vậy tại sao công tác sưu tầm nghiên cứu lại trầm lắng? Thậm chí có những giáo viên dạy múa dân gian dân tộc mà chưa hề đến vùng các dân tộc có điệu múa mà mình đang truyền dạy, huấn luyện? PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh đánh giá 'Mặc dù trước đây ở một số cơ sở đào tạo môn múa dân gian dân tộc đã có sự kết hợp với công trình nghiên cứu khoa học để tạo thành những giáo trình bằng văn bản và giáo trình thực hành hệ thống múa dân gian dân tộc, song phần lớn các giáo trình đó chưa có tính thống nhất, tính quy phạm trên phạm vi toàn quốc'. Ông đề xuất Dự án Nghiên cứu sưu tầm di sản múa dân tộc Việt Nam và đề nghị huy động lực lượng hội viên trong cả nước tham gia dự án này. Ý kiến của NSND Lê Ngọc Canh hoàn toàn có lý khi muốn nâng cao chất lượng các tiết mục múa và khâu đào tạo múa dân gian dân tộc, cần có ngay khâu đột phá nghiên cứu và sưu tầm toàn diện sâu sắc kho tàng múa nghệ thuật ông cha ta để lại. Công việc đó sẽ giúp xây dựng tiết mục và công tác đào tạo mang tính đại diện cho nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam.