DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản

08/11/2010 00:00
Toàn tỉnh có 136 hồ chứa thủy lợi diện tích từ 5 ha trở lên, trên 8.000 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình cùng các sông, suối, khe lạch, ao, hồ có thể đưa vào khai thác để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tỉnh có hệ thống loài cá phong phú, đa dạng với các loại cá truyền thống như: chắm, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính. Tỉnh còn có nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như: lăng, dầm xanh, anh vũ... được ưa chuộng trên thị trường.
Nhiều gia đình ở khu vực Thủy sản - TP Hòa Bình nuôi cá cho thu nhập cao

 

Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh tập trung vào hình thức nuôi cá trên ao hồ nhỏ theo hình thức truyền thống tập trung ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn, TP Hoà Bình. Nuôi cá trên các hồ chứa và nuôi lồng bè trên các sông (900 lồng cá sản lượng đạt 50 kg/lồng), nuôi cá ruộng năng suất từ 200-300 kg/ha. ông Hoàng Văn Son, Phó Chi cục thủy sản Hòa Bình cho biết: Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh có sự tăng trưởng khá, các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị của ngành thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: giai đoạn 2001-2005, diện tích nuôi trồng tăng 5,2%, sản lượng tăng 17%; giai đoạn 2006-2010, diện tích nuôi trồng tăng 5%, sản lượng tăng 7,4%. Diện tích nuôi từ 1.325 ha (năm 2000) tăng lên 2.180 ha (năm 2010); sản lượng từ 1.233 tấn lên 3.900 tấn. Dù diện tích thủy sản tăng từ 5-5,2%/năm nhưng tốc độ tăng sản lượng nuôi khá cao do nuôi thủy sản có xu thế được đầu tư cao dần. Việc nuôi cá đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.
 
Tuy nhiên, theo ngành chức năng, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều vùng nước chưa được khai thác và sử dụng hợp lý. Đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, việc nuôi cá ao mới mang tính chất tự sản, tự tiêu, chưa hình thành được lượng hàng hóa tập trung cung cấp cho các thị trường lớn; đối tượng nuôi mới chủ yếu là các loại cá phổ thông như mè, trôi, trắm, chép có giá trị thương phẩm không cao. ở những hồ chứa lớn mới dừng lại ở việc thả cá giống để khai thác tự nhiên dẫn đến năng suất nuôi cá ao, hồ không cao. Kiến thức về nuôi trồng thủy sản của người dân chưa được quan tâm nên dẫn đến tình trạng cá bị bệnh chết, ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành nghề thủy sản. Bên cạnh đó, công các quản lý khai thác thủy sản, đặc biệt ở trên lòng hồ thủy điện và các sông còn nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến phát triển của các loài thủy sản.
 
ông Hoàng Văn Son, Phó Chi cục Thủy sản cho biết thêm: Tỉnh đang chủ trương phát triển thủy sản theo hướng đa dạng, tận dụng tối đa tiềm năng nước; áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lương hiệu quả. Đối với các ao, hồ nhỏ (dưới 5 ha), lựa chọn đối tượng nuôi có giá trị cao như rô phi đơn tính, lươn, ếch, ba ba, cá trê vàng, các loại cá bản địa thích hợp. Các hồ có diện tích lớn hơn phát triển nghề nuôi cá theo hướng bán thâm canh, lựa chọn các đối tượng nuôi như cá trắm, chép lai, nhóm cá trôi Ấn Độ, cá chim trắng...; thực hiện nuôi ghép đa loài theo tỷ lệ hợp lý. Những nơi có điều kiện sinh thái đặc thù ao nước, tự chảy, lựa chọn các giống cá bản địa có giá trị cao như: dầm xanh, anh vũ, cá bống, lăng, chiên để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa đặc sản cung cấp cho các đô thị và phục vụ du lịch. Chuyển những diện tích cấy lúa lầy thụt (nhất là ở Kim Bôi, Lạc Thủy) sang áp dụng công nghệ tiên tiến nuôi trồng và tăng năng suất thủy sản. Phát triển nghề nuôi cá lồng, bè trên những vùng có điều kiện như: Kim Bôi, Lạc Thủy, TPHB, Kỳ Sơn, Lương Sơn. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý việc đánh bắt, khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương.