Di tích về nền “Văn hóa Hòa Bình” phân bố rộng ở khu vực Đông Nam Á, phía Bắc có mặt ở Nam Trung Quốc, phía Nam có mặt ở đảo Sumatra (Indonexia), phía Tây có ở Miến Điện, Thái Lan, phía Đông có dấu vết tại Philippines. Tại Việt Nam, đã tìm thấy trên 130 điểm thuộc nền “Văn Hóa Hòa Bình”. Các di tích “Văn hóa Hòa Bình” phân bố không đồng đều, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Hòa Bình với 76 điểm. Tại tỉnh Hòa Bình, di vật chính là các dụng cụ bằng đá cuội ghè, đẽo tương đối thô sơ một mặt, hoặc chỉ phần lưỡi; về loại hình rất đa dạng và phong phú như công cụ hình đĩa, công cụ ¼ viên cuội, công cụ hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi,… Ngoài công cụ đá, cư dân “Văn hóa Hòa Bình” đã biết chế tác và sử dụng một số công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai.
Ngày 17/10, tại Cung văn hóa tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Lễ khai trương trưng bày hiện vật, tư liệu bảo tàng; trưng bày sách, báo, tạp chí chủ đề về nền “Văn hóa Hòa Bình” và triển lãm ảnh đẹp du lịch Hòa Bình năm 2017. Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh.
Tại triển lãm, Ban tổ chức đã trưng bày 1.000 hiện vật, hơn 100 ảnh tải liệu và gần 200 đầu sách, báo tạp chí về nền “Văn hóa Hòa Bình”, cùng với 71 bức ảnh là các tác phẩm trong cuộc thi ảnh đẹp tỉnh Hòa Bình. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình; tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà Khảo cổ học người Pháp Medeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền văn hóa nổi tiếng này. Đồng thời, góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền “Văn hóa Hòa Bình”./.