Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng cho biết: “Đây là một hoạt động ý nghĩa, đặc sắc và hấp dẫn trong chuỗi các hoạt động phục vụ Lễ Kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2023. Đồng thời sẽ là dịp để nhân dân thành phố Hải Phòng có thêm sự hiểu biết về một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình, góp phần tôn vinh văn hoá dân tộc Mường trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, khẳng định văn hoá dân tộc Mường không chỉ có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống mà nay vẫn tiếp tục được bảo tồn, phát triển trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Thông tin từ Bảo tàng Hải Phòng, thời gian trưng bày “Di sản Văn hoá tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” từ ngày 10/5 đến ngày 10/6 với hơn 250 tài liệu, hiện vật giới thiệu về 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được đưa vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; giới thiệu về sưu tập gốm cổ trong mộ Mường; sưu tập trống đồng và cổ vật đồ đồng; nghề thủ công truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Các đại biểu cắt băng Khai mạc Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tại Bảo tàng Hải Phòng
Tại lễ khai mạc, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Trưng bày chuyên đề này ngày hôm nay sẽ góp phần tôn vinh và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt nam. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vǎn hoá, lòng tự tôn dân tộc trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, quảng bá những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình với Nhân dân Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, bạn bè quốc tế và giúp cho các nhà nghiên cứu văn hóa hiêu sâu hơn về văn hoá vật chất, tinh thần của người Mường”.
Trong di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, Di sản văn hóa dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực mà thể hiện rõ nét nhất là kiến trúc nhà sàn, trang phục, văn hóa ẩm thực, các di tích lịch sử - văn hóa, cổ vật (Trống đồng, chiêng đồng, xanh đồng, đồ gốm trong mộ Mường...) và ở các lĩnh vực khác như phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn.
Người Mường ở Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng cách ngày nay trên hai vạn năm; Là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hơn 5.000 chiếc chiêng quý giá, nơi sản sinh ra sử thi Đẻ đất đẻ nước, Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Nga - Hai Mối...; nơi âm vang của làn điệu sắc bùa, hát đúm và những điệu múa dân gian đặc sắc như: múa bông, đâm đuống, múa quạt ma...; của các lễ hội nông nghiệp như khai hạ, cầu mùa, rửa lá lúa, cơm mới... đậm nét văn hóa của người Mường.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 04 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được đưa vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia bao gồm: Nghệ thuật Chiêng Mường ở Hoà Bình; Mo Mường ở Hoà Bình; Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của người Mường và Lễ hội Khai Hạ của người Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong không gian trưng bày này, người dân Hải Phòng sẽ có những trải nghiệm thú vị và những kiến thức về văn hoá dân tộc Mường thông qua các mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở... Đồng thời, được hoà mình cùng những bản hoà tấu chống chiêng, những câu hát, điệu múa suối nguồn trong không gian ẩm thực là những món ăn đặc trưng, đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn như rượu cần, cơm lam, cỗ lá.../.