Trong đó tuyến đường 433 - là đường độc đạo, dài khoảng 90km, bắt đầu từ xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc có nhiều vực sâu, núi cao bị sạt lở nặng nhất, thống kê sơ bộ có khoảng 1 vạn m3 đất đá tràn xuống lòng đường
Nhiều điểm sạt lở khối lượng lớn và phức tạp trên tuyến 433 đi qua các xã Cao Sơn, Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng như đoạn km 43+ 350; km 65+300 - km 65+ 150; km 67+350, km 73 - km 74 (km 74 bị tắc đường), ngầm Suối Quán bị tắc dòng chảy…
Do mặt đường nhỏ nên dù lượng đất, đá sạt lở không lớn nhưng cũng đã xảy ra ách tắc giao thông.
Đoạn quản lý đường bộ I (Sở Giao thông Vận tải) - đơn vị quản lý tuyến đường 433 đã chủ động bố trí nhân lực, máy móc, vật tư khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông; chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã cơ bản khắc phục bước 1 các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông cho người và phương tiện đi lại. Hiện nay, các máy xúc, ủi được bố trí tại văn phòng, hạt Đà Bắc 1 và Đà Bắc 2 có thể cơ động xử lý các điểm sạt lở nếu như xảy ra, ngoài ra đoạn quản lý cũng đã có phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp để có thể huy động tham gia xử lý các điểm sạt lở với khối lượng lớn hơn.
Tại các vị trí xung yếu cũng đã được thiết lập biển báo, nguy hiểm, cảnh báo cho người và phương tiện qua lại. Hiện nay, đơn vị đã sẵn sàng triển khai phương án phân luồng giao thông Hòa Bình- Sơn La, Lai Châu và ngược lại theo lệnh điều động của cấp trên.