Huyện Yên Thủy ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng về chỉ số gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép (7,61 điểm). Các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu cũng là các địa phương có điểm số gia nhập thị trường ở mức khá. Xét trung bình chung toàn tỉnh, 6/10 huyện,thành phố có điểm số mức trung bình khá (dưới 7 điểm). Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng không có nhiều thay đổi về điểm số so với năm trước đó (7,21 điểm). Huyện Yên Thủy được đánh giá cao nhất với 8,42 điểm. Huyện Cao Phong và thành phố Hòa Bình là hai địa phương điểm số về minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng còn chưa cao, có nhiều dư địa để cải cách. Các địa phương còn lại nằm trong khoảng điểm từ 7-7,3 điểm (ngưỡng điểm khá), với sự chênh lệch điểm số không nhiều. Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin được nghiên cứu qua hệ thống 03 chỉ tiêu. Trong đó, mức độ thuận lợi, dễ dàng khi tiếp cận với các thông tin, tài liệu thuộc lĩnh vực quản lý của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đạt 7,08 điểm; mức độ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khi có đề nghị của cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) chỉ đạt 6,9 điểm. Đánh giá trang web cung cấp thông tin cho cơ sở SXKD của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ sở SXKD đánh giá mức điểm 6,18 điểm.
Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa có điểm số 7,9 điểm, tiệm cận mức điểm tốt, tăng 0,29 điểm so với năm liền trước. Theo đánh giá của các cơ sở sản xuất kinh doanh, huyện Yên Thủy đứng đầu trong danh sách cung cấp chất lượng dịch vụ công và bộ phận một của (8,62 điểm). Tiếp theo đó là các huyện Mai Châu, Kim Bôi và Lạc Sơn là các địa phương cũng nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn trong nỗ lực cải cách chất lượng dịch vụ công. Theo chỉ tiêu, mức độ hài lòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa (7,76 điểm); mức độ hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công, thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa (7,82 điểm) và Mức độ tích cực trong việc ứng dụng công nghệ và các xu thế của kinh tế chuyển đổi số, công nghệ 4.0. trong điều hành, quản lý (7,92 điểm) tiếp tục là các tiêu chí đang được thực hiện khá tốt tại tỉnh Hòa Bình, tăng điểm so với năm trước đó. Đây cũng chính là các yếu tố thúc đấy tăng cường chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa tại tỉnh.
Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật năm 2022 có điểm số 7,68 điểm, tăng 0,21 điểm so với năm 2021. So sánh giữa các địa phương, các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi là các địa phương có điểm số tốt. Ở chiều ngược lại, huyện Đà Bắc và huyện Cao Phong cần nhiều cải thiện liên quan đến chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật. Năm 2022 ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong giảm thiểu chi phí không chính thức tại Hòa Bình. Chi phí không chính thức tăng từ 7,94 điểm năm 2021 lên đến 8,1 điểm năm 2022. Các địa phương có điểm số chi phí không chính thức tăng (tương đương thực tế hiện tượng phải chi trả các chi phí không chính thức giảm) là các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu và Yên Thủy. Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt trung bình 7,6 điểm, không có nhiều thay đổi so với năm trước đó (giảm 0,04 điểm). Ngoại trừ huyện Yên Thủy có điểm số thuộc nhóm tốt, các địa phương còn lại đều ở mức điểm khá; không có địa phương nào thuộc nhóm điểm trung bình, trung bình khá. Tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh có điểm số 7,53 xét trung bình chung toàn tỉnh (tăng 0,05 điểm). Tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh tiếp tục là vấn đề còn nhiều khó khăn với các cơ sở SXKD tại tỉnh Hòa Bìh. Huyện Yên Thủy có điểm số khả quan hơn các địa phương còn lại./.