
Để thực hiện Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án của tỉnh (Đề án 1084 tỉnh); ban hành Kế hoạch số 85/KH-BCĐ ngày 30/8/2017 về việc triển khai, thực hiện Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”. Trong đó, lựa chọn 22 đơn vị hành chính cấp xã đăng ký làm điểm (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 02 đơn vị).
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI, ban hành Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 08/12/2017; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 05/01/2018 về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó: Sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập, đặt tên 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập, đặt tên 19 tổ dân phố; đổi tên 02 tổ dân phố và thành lập mới 01 xóm (xóm Tháu, thuộc xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình).
Như vậy, sau khi thực hiện Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”. Toàn tỉnh đã giảm 60 thôn, xóm, tổ dân phố (40 thôn, xóm và 20 tổ dân phố); kinh phí giảm chi từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể 01 năm giảm khoảng 4,7 tỷ đồng.
Sau thực hiện thí điểm, UBND tỉnh đã họp sơ kết, rút kinh nghiệm kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Trong đó đánh giá còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương sáp nhập, kiện toàn thôn, xóm, tổ dân phố; chưa sâu sát trong việc triển khai, thực hiện quy trình, thủ tục giải thể, sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể; một số thôn, xóm, tổ dân phố phải chia ra sáp nhập vào nhiều thôn, xóm, tổ dân phố khác nhau dẫn đến khó khăn khi lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trong quá trình thực hiện. Một số cơ chế chính sách của tỉnh đã ban hành còn bất cập, thiếu linh hoạt cần sửa đổi, bổ sung. Các văn bản hướng dẫn của một số sở, ngành chưa đồng bộ, kịp thời dẫn đến người dân còn tâm lý lo ngại khi sáp nhập sẽ khó khăn, xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ liên quan, chính sách hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố nghỉ việc sau khi sáp nhập còn thiếu công bằng, chưa phù hợp với thực tiễn...
Sau kết quả triển khai và kinh nghiệm đựơc rút ra từ việc thực hiện thí điểm; theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 12/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về triển khai, thực hiện sắp xếp thôn, xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình.
Chủ trương trên được cụ thể hóa trong các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp: Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI đã xem xét, quyết định: Nhập, điều chỉnh 641 thôn, xóm và đặt tên đối với 320 thôn, xóm, đổi tên đối với 08 thôn, xóm; toàn tỉnh giảm thêm 406 thôn, xóm, tổ dân phố. Tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI đã xem xét, quyết định: Nhập 134 thôn, xóm, khu phố và đặt tên đối với 65 thôn, xóm, tổ dân phố, đổi tên 02 xóm, khu phố; toàn tỉnh giảm thêm 69 thôn, xóm, khu phố. Tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI đã xem xét, quyết định: Nhập, điều chỉnh 87 thôn, xóm, khu phố và đặt tên mới đối với 45 thôn, xóm, khu phố; đổi tên 04 xóm và thành lập mới 01 xóm; toàn tỉnh giảm thêm 41 thôn, xóm, tổ dân phố.
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc sắp xếp và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. UBND các huyện, thành phố đã chủ động chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức sáp nhập, kiện toàn các tổ chức ở thôn, xóm, tổ dân phố; chi trả kinh phí hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc kịp thời và đảm bảo đúng quy định. Đồng thời thực hiện việc quản lý, quy hoạch lại hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có.
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với sự quyết tâm cao đã triển khai, thực hiện Đề án, Kế hoạch sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo theo đúng yêu cầu đề ra. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sát nhập đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời kịp thời hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và sau sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố; do vậy tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đến nay toàn tỉnh còn 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố theo đó giảm khoảng 2.300 người hoạt động không chuyên trách và giảm 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố; tiết kiệm ngân sách từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố khoảng 51,7 tỷ đồng/năm; (tương ứng giảm 28% so với hiện trạng trước khi sắp xếp; giảm gần gấp 3 lần so với dự kiến Đề án 1084 của tỉnh). Đây là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả của tỉnh Hòa Bình theo tinh thần Nghị quyết BCH Trung ương Đảng khoá XI, khóa XII đề ra./.