DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh

17/12/2020 00:00
Năm 2020, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, công tác triển khai thực hiện ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình trên địa bàn tỉnh sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tỉnh Hòa Bình có số lượng người dân tộc Mường lớn, địa bàn cư trú của người Mường ở khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh, sống xen kẽ với người kinh và các dân tộc khác, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh.
Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng chữ dân tộc Mường cho các cán bộ, công chức là người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh

Trong công tác tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã tiếp tục kịp thời cập nhật đăng tải các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai tuyên truyền tiếng Mường theo Bộ chữ dân tộc Mường đã được phê chuẩn. Báo Hòa Bình điện tử biên dịch, sản xuất và đăng tải hơn 1.500 tin, bài bằng tiếng Mường (05 tin, bài/ ngày); sản xuất gần 50 clip (04 Clip - Chương trình Truyền hình Internet tiếng Mường/ 01 tháng, để thông tin, tuyên truyền bằng tiếng và Bộ chữ dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo Phòng Tiếng Dân tộc xây dựng và thực hiện các chương trình tiếng dân tộc Mường, phát trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh và hai Đài Quốc gia, khai thác và quảng bá các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân  tộc, phối hợp thực hiện các chương trình thời sự, chuyên đề, chương trình truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp. Trong năm 2020, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh đã thực hiện sản xuất và phát gần 370 Chương trình Phát thanh và 250 Chương trình Truyền hình tiếng Mường, 50 Chương trình tạp chí dân tộc và phát triển bằng tiếng phổ thông; hàng tháng Đài đã gửi từ 6 chương trình tạp chí truyền hình tiếng Mường với thời lượng 25 đến 30 phút phát sóng trên kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam.

Tháng 5/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dã hoàn thành việc in và phát hành 03 cuốn tài liệu: Tài liệu hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết âm vị tiếng Mường, Mã Bộ gõ Unikey tiếng Mường; Tài liệu học hướng dẫn học chữ Mường, đọc hiểu tiếng Mường; Tài liệu tiếng Mường cơ sở. Các tài liệu đã được bàn giao cho các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu Đề tài “Biên soạn Từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường - Việt” đạt loại Xuất sắc. Quyển từ điển Việt – Mường đã lựa chọn được hơn 11.000 đơn vị từ ngữ và quyển từ điển Mường –Việt đã lựa chọn được hơn 9.000 đơn vị từ ngữ.

Để khiển khai việc dạy học tiếng Mường trong mọi tầng lớp trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã giao trường cao đẳng sư phạm Hòa Bình tổ chức các lớp đào tạo để Xây dựng đội ngũ chuyên gia cốt cán dạy tiếng mường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai và hoàn thành việc biên soạn để tái bản cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình” được Ủy ban nhân dân tỉnh ấn hành năm 2010, trong đó nhóm tác giả biên soạn đã chỉnh sửa nội dung phần tiếng Mường theo bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được phê chuẩn, và chỉnh sửa, bổ xung thêm phần dịch nghĩa của cuốn sách; đã cử cán bộ công chức, viên chức là người Mường biết nói tiếng dân tộc Mường của sở tham gia truyền dạy các lớp tập huấn về đào tạo, bồi dưỡng chữ viết dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, làm cơ sở nghiên cứu các di sản văn hóa của dân tộc Mường theo bộ chữ đã được phê chuẩn.

Trong năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng chữ dân tộc Mường cho 180 cán bộ, công chức là người dân tộc Mường, biết nói thành thạo tiếng Mường. Việc dạy học tiếng Mường trên địa bàn Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chưa được triển khai thực hiện.

Do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên việc triển trai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường trên toàn tỉnh bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền chưa có nghiệp vụ về sư phạm để truyền đạt, giảng dạy chữ Mường theo Bộ chữ dân tộc Mường, giáo trình giảng dạy chữ Mường vần còn khó thực hiện, hạn chế về kinh phí thực hiện tuyên truyền, giảng dạy.../.