Sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay, tỉnh có 80% học sinh, sinh viên và người học tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng; 25% người dân ở khu vực nông thôn, 20% người dân ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp.
Hệ thống thư viện cộng đồng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Từ năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung 1.645 đầu sách và 34 đầu báo, tạp chí; cấp được 12.000 thẻ bạn đọc miễn phí, phục vụ 133.400 lượt bạn đọc với 174.800 lượt sách, báo luân chuyển; 898.182 lượt bạn đọc truy cập website của Thư viện tỉnh. Bên cạnh việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện tỉnh làm tốt công tác luân chuyển phục vụ tại các thư viện, tủ sách cơ sở, góp phần tăng vòng quay của sách, phục vụ bạn đọc tại vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số.
Năm 2019, các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD&ĐT ký kết Chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2019 - 2020. Sở VH-TT&DL tổ chức thành công Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2019 tại huyện Tân Lạc thu hút hơn 10.000 lượt người đến thăm quan, đọc sách.
Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tổ chức tuyên truyền lưu động và phục vụ sách cho người dân bằng ô tô thư viện lưu động tại 22 xã thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, thu hút 44.000 lượt người tham gia. Thư viện tỉnh tặng 1.012 cuốn sách trị giá hơn 100 triệu đồng cho 19 xã trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng của tỉnh được kiện toàn và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Thư viện bắt đầu hoạt động nề nếp đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, trụ sở, trang thiết bị của thư viện chưa đồng bộ tại các huyện; vốn tài liệu, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện còn yếu.
Thời gian tới, để phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng cần sự chung tay của toàn xã hội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng đọc và phương pháp đọc cho độc giả. Cần đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện. Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm./.