DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kết quả triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023-2025"

08/01/2024 16:30
Nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã bước đầu thực hiện có hiệu quả kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023-2025", Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình IPHM trên các cây trồng chủ lực, lợi thế từng huyện gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể đã chỉ đạo các giải pháp tăng cường áp dụng IPHM trong các quy trình kỹ thuật sản xuất trồng trọt, xác định là nhiệm vụ quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, cân bằng sinh thái, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 121 lớp tập huấn cho 6.000 lượt nông dân về phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại và sử dụng an toàn thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng và cấp chứng nhận chuyên môn về phân bón cho 72 cá nhân có nhu cầu; 01 lớp bồi dưỡng và cấp chứng nhận chuyên môn về thuốc BVTV cho 64 cá nhân có nhu cầu. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn, tuyên truyền văn bản pháp luật về Kiểm dịch thực vật nội địa, quản lý và duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các hợp tác xã, nông dân nòng cốt trên các loại cây trồng lợi thế phục vụ xuất khẩu; tổ chức 01 lớp tập huấn về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng mít xuất khẩu. Xác nhận nội dung quảng cáo thuốc BVTV, phân bón cho 03 doanh nghiệp với 30 cuộc hội thảo trên địa bàn các huyện, thành phố (trong hoạt động quảng bá, hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật đều có quy định bắt buộc giới thiệu về nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ an toàn, hiệu quả).

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được chú
trọng. Trong năm qua, đã có nhiều giống cây trồng mới được đưa vào
khao nghiệm như: Giống lúa (TBR97, LTH31, TBR89,  J01, Đài Thơm 8, Tiền hải 1, SUMO, Nếp A sào, Thụy hương 308, Thái Xuyên 111...), giống ngô lai mới (ADI 600, Golden COB, NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, DK9955S, DK6919S...), các biện pháp canh tác SRI, “3 giảm, 3 tăng”,... đã được áp dụng rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu qua sang trồng các loại cây khác có hiệu qua kinh tế cao hơn được quan tâm triển khai, cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh và sử dụng cac loại phân bón phù hợp với từng chân đất đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, và năng suất cây trồng. Về hoạt động thu gom bao gói thuốc Bảo vệ thực vật sau sử dụng: có khoảng 1.653 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (85 bể chứa trang bị mới năm 2023), tỷ lệ thu gom chiếm khoảng 20% tổng số lượng bao gói thuốc Bảo vệ thực vật toàn tỉnh.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh như: 01 mô hình cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong, 01 mô hình áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng và năng suất mía đủ điều kiện xuất khẩu tại huyện Tân Lạc, 02 mô hình phục hồi cây ăn quả có múi tại thị trấn Cao Phong; 01 Mô hình trồng thử nghiệm cây Bách Bộ (cây dược liệu) tại xã Thạch Yên và xã Hợp Phong; 01 mô hình trồng mía trắng nuôi cấy mô giống cấp 1 tại Cao phong; 01 mô hình Cải tạo đất trồng lúa bạc màu tại xã Đồng Chum, thị trấn Đà Bắc; 01 mô hình Thâm canh cây gai xanh lấy sợi tại xã Trung Thành, Đà Bắc; 01 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ Bưởi Diễn; 01 mô hình trồng hoa gắn với phát triển du lịch cộng đồng huyện Lương Sơn; 01 mô hình trồng cây cỏ ngọt trên địa bàn huyện Lương Sơn; 01 mô hình quản lý dich hại tổng hợp ruồi vàng trên cây Bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu; 01 mô hình sản xuất tập trung sản phẩm đặc trưng rau mít rừng; 01 mô hình trồng Khoai lang lấy củ tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn; 03 mô hình trồng các giống lúa, ngô mới tại xã Bao La, Nà Phòn huyện Mai Châu. 01 mô hình liên kết sản xuất mía nguyên liệu tại Yên Thủy; 01 mô hình sản xuất bưởi diễn theo hướng xuất khẩu của HTX Đại Đồng, Yên Thủy, 01 mô hình sản xuất lạc theo hướng xuất khẩu, 01 mô hình trồng cây được liệu cà gai leo của HTX Bảo Hiệu, Yên Thủy... huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, HTX … gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. 

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phê duyệt Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030; Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 24/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023-2025". Rà soát, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về IPHM phục vụ triển khai thực hiện chính sách, hỗ trợ sản xuất. Đào tạo, tập huấn về IPHM (TOT) cho cán bộ nông nghiệp ở cấp huyện và địa phương, HTX, doanh nghiệp và nông dân (FFS), xây dựng các mô hình mẫu IPHM, triển khai nhân rộng IPHM ở địa phương trên các cây trồng có lợi thế. Tăng cường công tác tập huấn thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân về nội dung, phương pháp và các biện pháp IPHM. Hỗ trợ và tạo mối liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với người dân thông qua tổ chức sản xuất bằng các hình thức HTX, tổ hợp tác, mã số vùng trồng./.