Bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình được kiện toàn, thành lập theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Việc phân bổ chi tiết vốn được kịp thời triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; Quyết định 1070/QĐ-BTC ngày 10/6/2022 của Bộ Tài chính đảm bảo phù hợp theo nguyên tắc, tiêu chí và trình tự theo quy định hiện hành. Các Văn bản về Kế hoạch tổ chức triển khai được điều chỉnh kịp thời phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị chủ chì, phối hợp trong công tác tham mưu để ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện.
Tính đến thời điểm báo cáo, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình trên địa bàn tỉnh các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện giải ngân đạt 8%; dự kiến giải ngân vốn đầu tư phát triển đến 31/12/2022 giải ngân đạt 30% kế hoạch giao. Đối với nguồn vốn sự nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; dự kiến đến 31/01/2023 giải ngân vốn sự nghiệp đạt 90% kế hoạch giao. Thực hiện giải ngân bao gồm cả vốn đầu tư phát triển; vốn sự nghiệp đến 31/12/2022 đạt 50%.
Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, Trung ương, tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức về quan điểm đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thông báo công khai kế hoạch, danh mục và vốn đầu tư của Chương trình để nhân dân, cộng đồng biết và cùng chung tay thực hiện, đồng thời tự kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, Nhân dân có nhận thức đúng về thực hiện các dự án thuộc Chương trình, khơi dậy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực nhằm phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Kết quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực: Nguồn ngân sách Trung ương gồm vốn đầu tư phát triển 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp 149.025 triệu đồng; nguồn ngân sách địa phương (vốn đối ứng ngân sách huyện: vốn đầu tư phát triển 7.304 triệu đồng). Vốn khác: nguồn tín dụng trực tiếp cho các dự án 4.640 triệu đồng; vốn lồng ghép do nhân dân đóng góp 3.105 triệu đồng.
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình; việc giao kế hoạch và dự toán để thực hiện nội dung Nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ các cấp, cộng đồng, người dân còn chậm do vậy đến thời điểm hiện nay công tác tổ chức triển khai, thực hiện nội dung đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện mở các lớp đào tạo. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang quan điểm đầu tư tổng thể quy mô lớn, có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau. Nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 dẫn đến ảnh hưởng chậm ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình.
Trong năm 2023, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh ta dự kiến phấn đấu có 05 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5-3%. Trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tham mưu thể chế các văn bản quy định của trung ương để triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh về quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh kế hoạch năm 2022 kéo dài thực hiện sang năm 2023; Thực hiện phân bổ chi tiết kinh phí vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp kế hoạch năm 2023 cho các đơn vị, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo quy định. Rà soát giao chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu số xã, thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn của các huyện, thành phố đến năm 2025. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn./.