DetailController

Kinh tế

Kết quả thực hiện việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao

27/12/2023 16:30
Trong những năm qua, công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được kết quả quan trọng. Việc quản lý đất đai trong quy hoạch cơ bản bám sát định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường, kiện toàn về số lượng và chất lượng, chuyên môn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; việc thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng phân cấp nhiều hơn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 08-KH/TW tới các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các huyện, thành phố. Chỉ đạo các cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nội dung Nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung, mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng đất, đất đai tạo tiền đề, động lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, xanh và bền vững. Các hình thức tuyên truyền Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện đa dạng đảm bảo phù hợp với các đối tượng tuyên truyền. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và Nhân dân góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sau 10 năm khai thác, sử dụng bản đồ, hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp đã phát sinh một số biến động cần đo đạc chỉnh lý, đến nay, toàn tỉnh có 22.577 Giấy chứng nhân (GCN) của 48.295 thửa đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân. Trong đó có 5.506 GCN sai sót về hình thể, vị trí, diện tích, gộp thửa trong quá trình đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính; có 2.760 GCN do biến động về hình thể ranh giới thửa đất, biến động sạt lở đất, thay đổi dòng chảy sông suối trong các đợt mưa lũ, do Nhà nước thu hồi, do Nhân dân hiến đất xây dựng công trình giao thông, công trình nông thôn mới nhưng chưa đo đạc, chỉnh lý bản đồ; có 10.978 GCN cần cấp do trước đây đo gộp nhiều thửa đất; cần đo đạc bổ sung, cấp GCN mới 3.333 GCN (khoảng 2.9491,1 ha) cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp GCN nhưng chưa được đo đạc. Tỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch bảo đảm việc sử dụng đất đai và xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn được văn minh, hiện đại. Quỹ đất quy hoạch cho phát triển khu dân cư nông thôn như hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế... đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quan tâm phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp đủ nước để khai thác tốt diện tích đất trồng cây hằng năm (trong đó có đất lúa), từng bước hoàn thiện hệ thống đê, kè nhằm chủ động ứng phó với tác động do biến đổi khí hậu.

Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thủy sản; tổ chức phát triển nuôi trồng thủy sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật./.