Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đưa ra những giải pháp phù hợp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, hỗ trợ học sinh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân ban hành các Văn bản chỉ đạo, định hướng, cũng nhưng ban hành các Văn bản thuộc thẩm quyền để đảm bảo các hành lang pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện để đưa ra những giải pháp phù hợp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, hỗ trợ học sinh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục quán triệt chủ động triển khai các nội dung:
Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Rà soát, điều chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đủ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu dạy và học, lựa chọn và phân công giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để giảng dạy lớp đầu cấp và cuối cấp, điều động các giáo viên có nhiều kinh nghiệm đến tham gia giảng dạy, hỗ trợ nghiệp vụ cho giáo viên các trường vùng khó khăn. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát lại cơ sở vật chất các điểm trường có lớp ghép, nhập các điểm trường lẻ về điểm trường thuận lợi hoặc điểm trường trung tâm, bảo đảm công bằng cho học sinh giữa các điểm trường, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục; nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ; các đơn vị xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong các đơn vị gắn với chất lượng giáo dục của đơn vị, gắn trách nhiệm của cán bộ quản lý với chất lượng giáo dục của đơn vị, gắn trách nhiệm của cá nhân giáo viên với chất lượng giáo dục của bộ môn mình giảng dạy; thực hiện tốt chức năng giám sát của xã hội và kiểm tra của cấp trên.
Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp, bảo đảm 100% giáo viên dạy dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tập huấn, bồi dưỡng chương trình, sách giáo khoa mới. Tiếp tục tổ chức tập huấn tại các đơn vị trường học bằng hình thực dạy trực tiếp trên nền học sinh để giáo viên dự giờ và sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo thực hiện giảng dạy và kiểm tra đánh giá đạt mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tăng cường hơn nữa vai trò của giáo viên cốt cán trong bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đại trà với các nhiệm vụ cụ thể: xây dựng ngân hàng đề kiểm tra đánh giá định kì; tập huấn bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và Nhà trường; phát huy vai trò nòng cốt tại tổ nhóm chuyên môn và nhà trường.
Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo bàn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng tập huấn việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch bài giảng, kế hoạch môn học và kế hoạch bài giảng, trong đó yêu cầu kế hoạch sát thực tiễn và đến từng đối tượng học sinh đồng thời có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu, khả thi. Tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đầu năm đối với học sinh lớp 6 theo đề chung toàn tỉnh.
Đối với công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT, chỉ đạo các nhà trường định hướng cho học sinh THPT lựa chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi theo năng lực, sở trường từ đầu cấp học để các em có kế hoạch, chủ động ôn luyện kiến thức các bộ môn theo nguyện vọng; xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12; tiến hành khảo sát, phân loại để ôn tập sát với từng nhóm đối tượng, từng môn học; đổi mới hình thức kiểm tra học kỳ; tổ chức tập huấn cho giáo viên đang dạy lớp 12, chú trọng các chuyên đề ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; xây dựng ngân hàng đề kiểm tra định kì và đề thi tốt nghiệp THPT của các nhà trường và của Sở; kiểm tra công tác ôn thi và tổ chức 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT cho 100% các trường có cấp THPT.
Đối với công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia: Sở GD&ĐT tiếp tục khuyến khích các trường có cấp THPT lựa chọn, bồi dưỡng học sinh tham dự kì thi học sinh giỏi quốc gia; tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng đội tuyển để đạt mục tiêu 100% các môn dự thi đạt giải, tăng số lượng và chất lượng giải so với năm trước; chỉ đạo trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tích cực đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy-học đội tuyển, trong đó đặc biệt là các giải pháp cải tiến chất lượng dạy – học các môn nhiều năm không đạt giải; lựa chọn và bồi dưỡng giáo viên dạy đội tuyển; đồng thời có cơ chế thi đua phù hợp đối với giáo viên dạy các đội tuyển không hoàn thành chỉ tiêu. Kết quả, năm 2023 đạt 28 giải, trong đó có 02 giải Nhì, 10 giải Ba và 16 giải Khuyến khích (tăng 05 giải so với năm 2022); năm 2024 đạt 42 giải, trong đó có 01 giải Nhất, 04 giải Nhì, 12 giải Ba và 25 giải Khuyến khích (tăng 14 giải so với năm 2023), đặc biệt một số bộ môn sau nhiều năm mới có giải và sau nhiều năm tỉnh Hòa Bình mới có giải Nhất.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác chuyên môn đối với các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc và công tác tư vấn hỗ trợ giáo viên, đặc biệt các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về GDĐT, nhất là chủ trương đổi mới GDĐT hiện nay, tranh thủ sự ủng hộ, tạo sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với những nhiệm vụ, khó khăn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục của tỉnh.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các nhà trường được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước, cụ thể các trường mầm non, Tiểu học, THCS, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của UBND các huyện, thành phố; các trường phổ thông Dân tộc nội trú, trường THPT, trường Cao đẳng sư phạm, Trung tâm GDTX tỉnh thuộc quản lý của Sở GD&ĐT. Đối với các đơn vị, trường học trực thuộc, giai đoạn 2021-2025, Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư công sử dụng ngân sách tỉnh tại Nghị quyết số 305/NQ-HĐND ngày 30/9/2021 đối với 21 dự án và tổng mức đầu tư trên 400.000 triệu đồng, đến nay 19/21 dự án đầu tư cho cho 21/37 trường học trực thuộc với tổng mức đầu tư dự kiến 335,5 tỷ đồng. Đến nay 100% các trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, đủ phòng học với tỷ lệ phòng kiên cố đạt tỷ lệ 96,6%. Về đầu tư thiết bị dạy học được trang bị theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị dạy học bổ sung ngoài danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, hàng năm từ nguồn kinh phí giao các đơn vị, trường học trực thuộc đã giao khoảng từ 10 đến 20 tỷ để mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị dạy và học tiếng Anh, Tin học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việc xây dựng, mở rộng các trường THPT tại các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng mở rộng các trường THPT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, giai đoạn 2021-2025. Sở GD&ĐT là chủ đầu tư xây dựng mới 02 trường THPT Kim Bôi và Trường THPT Mai Châu với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; đầu tư mở rộng diện tích 03 trường: THPT Mai Châu B, Phổ thông Dânt tộc nôi trú THCS&THPT huyện Cao Phong; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Lạc Thuỷ với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Phối hợp với UBND huyện Lạc Sơn thống nhất địa điểm xây dựng mới Trường THPT Lạc Sơn và Trường Phổ thông DTNT THCS&THPT huyện Lạc Sơn, đề xuất UBND tỉnh đầu tư giai đoạn 2026-2030. Về cơ sở vật chất hiện nay đối với các trường THPT, phổ thông DTNT THCS&THPT cơ bản bảo đảm đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Việc đào tạo giáo viên: Đối với giáo viên mầm non: Căn cứ vào nhu cầu thực tế hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao Trường cao đẳng sư phạm Hòa Bình đào tạo đối với giáo viên mầm non.
Về định hướng phát triển của ngành GDĐT: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện Đề án của UBND tỉnh; đồng thời chỉ đạo huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo bền vững; nâng cao phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học, phát triển năng khiếu, sở trường, kỹ năng sống cho học sinh; rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, chủ động, thích ứng, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo tỉnh nhà; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Về lộ trình đào tạo đội ngũ giáo viên để từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt; Đề án “Tăng cường các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hoà Bình đáp ứng yêu cầu đổi mới giai đoạn 2023-2030”. Trong năm 2024, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ trên chuẩn; hỗ trợ giáo viên học văn bằng 2; đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh; bồi dưỡng chứng chỉ dạy học tích hợp. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng thường xuyên theo hướng thiết thực, bồi dưỡng những nội dung nhằm cập nhật kiến thức về chủ trương, quy định của ngành; bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực giáo viên ngoại ngữ, phối hợp bồi dưỡng theo chuẩn quy định, đáp ứng việc triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tại địa phương.
Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm đủ số lượng giáo viên với cơ cấu hợp lý ở các cấp học, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 70% giáo viên mầm non, 8% giáo viên tiểu học, 8% giáo viên THCS, 30% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn; 100% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chứng chỉ theo yêu cầu của cấp học./.