DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính

15/10/2020 00:00
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 13/5/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2194/QĐ-UBND, ngày 26/8/2016 phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 -2020, để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 05.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và nhiều văn bản quan trọng để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện như: Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo Kế hoạch hằng năm của UBND tỉnh, với 03 hoạt động theo quy định. Trong cả giai đoạn đã lựa chọn 55 lĩnh vực lĩnh vực theo chuyên đề và 13 lĩnh vực trọng tâm, liên ngành để tiến hành các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; trong đó, thu thập, xử lý 2.877 thông tin; điều tra, khảo sát 294 cuộc và kiểm tra 2.573 cuộc. Qua công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật; từ đó, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% Bộ phận một cửa cấp huyện và 34% Bộ phận một cửa cấp xã đã được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phục vụ nhân dân. Phần mềm một cửa điện tử đã được kết nối từ tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã, với tổng số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa là 1.777 thủ tục; trong đó, cấp tỉnh là 1.426 thủ tục,cấp huyện là 246 thủ tục và cấp xã là 105 thủ tục (không tính các thủ tục hành chính đặc thù phải thực hiện trực tiếp trên các thiết bị, phương tiện và các thủ tục hành chính của các ngành: Công an, Bảo hiểm xã hội, Điện lực). Thủ tục hành chính được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp là 307 thủ tục; thủ tục hành chính được giải quyết theo hình thức liên thông các cấp là 33 thủ tục. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền đều được giải quyết qua phần mềm một cửa điện tử; cung cấp 273 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 648 dịch vụ công mức độ 4. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.267.900 hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết đúng hạn 2.266.703 hồ sơ, giải quyết quá hạn 1.197 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,95%.

Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; xây dựng, ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách hành chínhgiai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả; kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương những giải pháp để tháo gỡ hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phấn đấu cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Tiếp tục duy trì có hiệu quả việc xác định Chỉ số cải cách hành chính và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; lấy kết quả đánh giá, xếp loại làm căn cứ xét khen thưởng và đánh giá, phân loại người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ” theo từng giai đoạn. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn kinh phí hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác cải cách hành chính; nhất là đầu tư về ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra công chức, công vụ và cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị./.