DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kết quả thực hiện Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong

25/04/2022 00:00
Thực hiện Đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”, theo phân kỳ, trong giai đoạn 2021 – 2025 tập trung tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha.
Tái canh cây ăn quả có múi nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung

UBND huyện Cao Phong đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án với diện tích trồng mới giai đoạn 2021 – 2025 là 670 ha/1.500 ha. Dự kiến thực hiện các năm như sau: Năm 2022 trồng tái canh và tổ chức lại sản xuất 20ha; năm 2023 trồng tái canh 150 ha, tổ chức lại sản xuất 200 ha; năm 2024 trồng tái canh 250ha, tổ chức lại sản xuất 280 ha; năm 2025 trồng tái canh 250 ha, tổ chức lại sản xuất 350 ha.

Hiện huyện đang triển khai thực hiện dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung, tới nay cơ bản đã hoàn thành trên 90%, còn lại hạng mục sửa chữa, nâng cấp hồ Lầy xã Bắc Phong. Thực hiện hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Rà soát lại tất cả diện tích cam hiện có, diện tích hết chu kỳ, diện tích bị sâu bệnh, diện tích dự kiến trồng tái canh để xây dựng kế hoạch tái canh hàng năm.

Tính đến thời điểm này, về tiến độ thực hiện các dự án, đã công nhận được 227 cây đầu dòng của 9 giống cây ăn quả có múi đang trồng phổ biến trong tỉnh. Tiếp nhận và đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp đáp ứng theo Tiêu chuẩn Quốc gia. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam do già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng bắc giống cây trồng ngắn ngày như: Cây đậu đõ, cây ngô, cây chuối….Đến nay đã có khoảng 780 ha cây có múi được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian luân canh từ 2- 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ; không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kĩ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi.

Khó khăn hiện nay, nguồn kinh phí cần để thực hiện Đề án lớn, trong đó Ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ một số nội dung cho các hộ sản xuất. Nhận thức về tái canh cây ăn quả có múi ở một số bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Để tạo vùng sản xuất tập trung và đồng nhất, UBND huyện Cao Phong đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua cây giống trồng mới và kinh phí phân tích mẫu đất phục vụ trồng mới cho 670 ha và chi phí mua chế phẩm cải tạo đất cho vùng tái canh của huyện với tổng kinh phí dự kiến khoảng 21,75 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí cho các hộ đã chuyển đổi từ trồng cam sang cây trồng khác để quay lại trồng cam đảm bảo diện tích cũng như tiến độ thực hiện của Đề án trong giai đoạn này. Hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nội đồng các vùng trồng cam khoảng 10km./.