Nhận thức của các cấp, các ngành và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực; số người có nhu cầu và đăng ký học nghề hàng năm đều tăng. Người dân có sự nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học nghề theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động là người thuộc tỉnh làm việc ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ cho 1.501 lao động với kinh phí trên 750 triệu đồng. Mở và tổ chức đào tạo nghề được trên 1.000 lớp cho trên 28.000 lao động.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 790 giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn, có đầy đủ chứng chỉ nghiệp vụ, được tham gia các đợt tập huấn công tác đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo bước đầu đã huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề.
Đào tạo nghề từng bước chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm tăng bình quân 2,5%; số lao động hoàn thành các khóa học có việc làm và duy trì việc làm với thu nhập cao hơn trước đạt trên 85% vượt chỉ tiêu đặt ra là trên 70%. Các xã trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau khi học nghề nông nghiệp, một bộ phận người lao động có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng phát triển bền vững; một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại một số địa phương như: Trồng cây cam ở huyện cao Phong, bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc, nuôi gà đồi ở huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, nuôi cá trên lòng hồ Sông Đà, trồng rau sạch tại huyện Lương Sơn... đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân ở các huyện đã thoát nghèo sau khi được học nghề nâng cao kỹ thuật. 85% người có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ, trong đó có 247 lao động làm trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp; 229 lao động là thành viên hợp tác xã, có 4.952 lao động thuộc diện chính sách nhằm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, một bộ phận lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hợp tác xã sau khi học nghề phi nông nghiệp; một số mô hình nghề, dịch vụ như: Nghề may công nghiệp, nghề thêu, dệt thổ cẩm, nghề chổi chít xuất khẩu, hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn, lễ tân và nhiều nghề dịch vụ khác được tổ chức tại các huyện đã giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã dần đi vào nề nếp, chất lượng các lớp bồi dưỡng từng bước đuộc nâng cao, học viên sau khi tham gia các khóa bồi dưỡng đã vận dụng kiến thức được học vào thực tế hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu của ngạch công chức và vị trí việc làm. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án được thực hiện có hiệu quả./.