DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

26/04/2024 17:03
Trong thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chất lượng hàng Việt được nâng lên với mẫu mã và kiểu dáng đa dạng. Đến nay nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về hàng Việt trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi đáng kể. Cuộc vận động thực sự đã tạo bước chuyển biến tích cực và có sự lan toả đến mọi người dân.
tính đến thời điểm hiện tại tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường tỉnh chiếm tỷ trọng từ 75-80%

Công tác tuyên truyền góp phần giúp người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình, phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng thương hiệu; cam kết bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời có tác dụng vận động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý để ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Do vậy những năm gần đây người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn. Các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam cố định”, các hoạt động tuyên truyền... đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu và có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của người tiêu dùng. Trong những năm gần đây, thị phần của hàng Việt tại thị trường tỉnh tăng dần, đặc biệt là nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản; Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm công nghệ chế biến, sản phẩm công nghệ cao có xuất xứ từ Việt Nam trong thời gian qua tăng dần do người dân đã bắt đầu thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt, người tiêu dùng bắt đầu đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào các sản phẩm Việt có thương hiệu đây cũng là động lực giúp nhà sản xuất trong nước phát triển. Trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 - 90%. Theo khảo sát, tính đến thời điểm hiện tại tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường tỉnh chiếm tỷ trọng từ 75-80%.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã rà soát, tích hợp quy hoạch hạ tầng thương mại vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo cơ sở pháp lý thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 07 siêu thị, 03 trung tâm thương mại; 95 chợ. Trong đó 01 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I; 10 chợ hạng II; 84 chợ hạng III. Ban quản lý chợ là các Hợp tác xã, Doanh nghiệp quản lý chợ hoạt động theo Nội quy chợ đã được phê duyệt. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết lập và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động bình ổn thị trường, chương trình kích cầu tiêu dùng và các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng... Đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tại địa phương tiếp cận được hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý. Phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin dùng tại thành phố Hòa Bình nhằm góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa người sản xuất với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, thành phố để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, các chương trình hàng Việt Nam nhằm kích cầu người tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt từ nông thôn ra thành thị thông qua việc hỗ trợ cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, đưa các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh tiêu thụ tại các kênh phân phối trong nước.

Trong giai đoạn 2021-2024, hoạt động khuyến mại diễn ra sôi động đặc biệt tập trung vào dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ Tết như 30/4, 1/5, 2/9. Hàng hoá khuyến mại chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ngân hàng với giá trị khuyến mại và giải thưởng ngày càng tăng đã thu hút được lượng lớn người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Trong giai đoạn 2021-2024 đã tiếp nhận 53.537 hồ sơ chương trình khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng 80 tỷ đồng. Xác nhận cho 82 lượt doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị khuyến mại hơn 3,8 tỷ đồng. Xây dựng 04 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” cố định tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc; Thị trấn Bo, huyện Kim Bôi; xã Hoà Bình, xã Độc Lập, thành phố Hoà Bình; xóm Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh là 288 triệu đồng. Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng bán hàng và phân phối hàng hóa, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh 138 triệu đồng.

Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong những năm qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các đợt bán hàng luôn thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước, đã tổ chức 5 phiên chợ tại các huyện trên địa bàn tỉnh (Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu, Cao Phong. Kim Bôi....). Với kinh phí thực hiện là 840 triệu đồng. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh: Hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày 15/3 với các hoạt động mít tinh, diễu hành, xe loa cổ động, treo băng rôn hưởng ứng, phát tờ rơi..., Trong năm 2021-2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, tỉnh đã điều chỉnh Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thay thế hình thức mittinh bằng hình thức in tờ rơi được phát tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường, tổ chức xe ôtô có loa, pa nô, cờ phướn tuyên truyền, cổ động về Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 tại địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh, kinh phí ngân sách tỉnh dành cho các hoạt động Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 288 triệu đồng.

Tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên 3 Sàn thương mại điện tử như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ - thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiệu quả. Do đó người tiêu dùng được tiếp cận với các loại hàng hóa, dịch vụ tốt, chất lượng đảm bảo đồng thời góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh (cam, quýt Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi; bưởi Tân Lạc, Kim Bôi; rau sạch Lương Sơn, rau su su Tân Lạc...) được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh bạn biết tới và ưa chuộng; nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết để phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại, góp phần mở rộng kết nối thương mại tỉnh Hòa Bình với các tỉnh thành trong cả nước./.