Để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển đô thị thông minh, tỉnh đã xây dựng thí điểm trung tâm điều hành thông minh với các phân hệ: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu thống kê; hệ thống tương tác với người dân; giám sát điều hành cho lĩnh vực y tế, giáo dục; Giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; Giám sát, điều hành chỉ tiêu ngân sách; Giám sát phản ánh kiến nghị người dân. Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý vận hành để phục vụ mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với 04 thành phần gồm: Cổng Du lịch thông minh với tên miền hoabinhtourism.vn; Ứng dụng Du lịch Hòa Bình trên thiết bị di động (APP Hoabinh Tourism); Tạo lập CSDL về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch và kết nối liên thông giữa cơ quan nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch; Hệ thống Wifi công cộng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Khai thác hiệu quả phần mềm ứng dụng Hệ thống giám sát, phản ánh kiến nghị của người dân (phần mềm tương tác trực tuyến VNPT ORIM-X). Sử dụng các mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, hạ tầng đô thị. Xây dựng hệ thống camera giám sát tại các nút giao, trục đường chính trong khu vực trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Thiết lập các hệ thống Wifi thông minh công cộng để phục vụ tại các địa điểm tổ chức những ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của tỉnh; Thực hiện lắp đặt cố định tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và trường THPT 19/5 và 8 điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh. Công an tỉnh và hầu hết các huyện, thành phố triển khai xây dựng hệ thống điều hành giao thông thông minh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hệ thống giám sát bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Hệ thống đã ứng dụng công nghệ AI trong việc tự động phát hiện các phương tiện vi phạm an toàn giao thông; phát hiện, cảnh báo các hiện tượng, đối tượng khả nghi; theo dõi, giám sát lộ trình di chuyển của đối tượng cần giám sát.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với tổng số trên 510 trạm truy nhập Internet băng thông rộng cố định, trong đó chủ yếu là hạ tầng của Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Từ 01/01/2022 đến nay đã phát triển 57 vị trí trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.360 vị trí với 3.236 trạm. Phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6% thôn, bản, cụm dân cư. Trong đó mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81% thôn, bản, cụm dân cư. Số xã có cáp quang đến trung tâm là 151 xã, đạt tỷ lệ 100% với trên 8.231 km cáp quang.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực. Hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ tin học cơ bản, kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%, cấp xã 80%. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin là 1,3% (chủ yếu là kiêm nhiệm, xấp xỉ so với trung bình cả nước là 1,4%); trong đó, tỷ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ cử nhân về công nghệ thông tin trở lên đạt 100% (cao hơn so với trung bình cả nước là 88,5%). Tỷ lệ cán bộ, công chức đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị chuyên sâu về công nghệ thông tin đạt 80%./.