Các cơ quan Thanh tra đã nhận, phân loại và xử lý 107 lượt đơn các loại, gồm: 20 đơn khiếu nại, 18 đơn tố cáo, 69 đơn kiến nghị, phản ánh (Thanh tra tỉnh tiếp nhận 13 đơn gồm 01 đơn tố cáo, 12 đơn kiến nghị, phản ánh; Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp nhận 71 đơn gồm 15 đơn khiếu nại, 14 đơn tố cáo, 42 đơn kiến nghị, phản ánh). Có 22 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền xem xét xử lý, giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và 32 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm xem xét, trả lời của thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã. UBND tỉnh đã thụ lý và giao Thanh tra tỉnh, các cơ quan tham mưu đang giải quyết 03 vụ khiếu nại năm 2023, cụ thể giao Thanh tra tỉnh tham mưu giải quyết 02 vụ khiếu nại, 01 vụ việc đã xác minh xong và tổ chức đối thoại, đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 01 vụ việc đã đình chỉ giải quyết khiếu nại. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết 01 vụ khiếu nại đã xác minh xong.
Trong kỳ báo cáo, Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra các huyện, thành phố, thanh tra các sở, ban, ngành tiến hành các cuộc thanh tra theo Kế hoạch thanh tra của tỉnh Hòa Bình năm 2024. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và ban hành kết luận các cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023. Tiếp tục tiến hành và hoàn thiện 04 đoàn thanh tra chuyên đề năm 2024 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức tại 13 đơn vị UBND 04 huyện (Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy) và 09 sở, ban, ngành (các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Ban Dân tộc tỉnh). Tiếp tục tiến hành và hoàn thiện 05 cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023 chuyển sang, các đoàn thanh tra đang xây dựng báo cáo, dự thảo kết luận thanh tra, qua thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế và quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 3.668,4 triệu đồng.
Thanh tra các huyện, thành phố tiếp tục tiến hành và hoàn thiện 02 cuộc thanh tra năm 2024, kết thúc 01 cuộc thanh tra năm 2023 chuyển sang. Thanh tra các sở, ban, ngành triển khai 01 cuộc thanh tra hành chính, 01 cuộc thanh tra và 05 kiểm tra chuyên ngành; kết thúc 08 cuộc kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục tiến hành và hoàn thiện 01 cuộc thanh tra và 01 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra, phối hợp kiểm tra đã tiến hành lập 71 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 120,2 triệu đồng, tước 15 phù hiệu, 07 Giấy phép lái xe, 01 giấy phép kinh doanh vận tải.
UBND tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở tỉnh để ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đảm bảo kịp thời, chính xác, đầy đủ nội dung theo quy định. Các cấp, các ngành tiếp tục tiến hành tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Luật PCTN năm 2018 và các văn bản có liên quan, lồng ghép với các lớp tuyên truyền pháp luật về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Trong kỳ báo cáo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tiếp tục chỉ đạo, thực hiện việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bằng nhiều hình thức phong phú; tuyên truyền trên các chương trình phát thanh, truyền hình. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã tích cực đưa tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình về Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.
Tháng 3 năm 2024, tỉnh tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”. Chỉ đạo toàn ngành Thanh tra triển khai Kế hoạch thanh tra của tỉnh Hoà Bình năm 2024 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng các cuộc thanh tra. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện tốt việc xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của tổ chức, cá nhân nhất là các lĩnh vực xã hội quan tâm như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, kinh doanh xăng dầu... Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy Hòa Bình; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN. Chỉ đạo và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về PCTN, về quản lý kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội và những giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh; tập trung cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Xác minh làm rõ các đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và các văn bản triển khai thực hiện của UBND tỉnh để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh theo yêu cầu đặt ra. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong công tác PCTN. Thực hiện việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập theo kế hoạch đã được phê duyệt./.