DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả thực hiện Chương trình Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh

29/01/2024 15:03
Thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các chính sách, giải pháp. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về SHTT được nâng cao. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi quyền SHTT và thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, bước đầu hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Trên cơ sở 9 nhiệm vụ được đề ra tại Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 24/11/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030; thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021-2030; Đề án số 04-ĐA/TU ngày 10/11/2021 về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ "Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ SHTT, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực. Các chính sách về SHTT do UBND tỉnh ban hành và triển khai từ những năm trước vẫn tiếp tục được thực hiện và mang lại hiệu quả rõ rệt, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về SHTT tại tỉnh, góp phần tạo hành lang pháp lý và cơ chế vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước về SHTT được hiệu lực, hiệu quả, thống nhất.

Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về SHTT góp phần tạo ra tài sản trí tuệ có chất lượng và giá trị cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT. Tiêu biểu là nhiệm vụ về xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Kim Bôi” cho sản phẩm nước khoáng của huyện Kim Bôi; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Chè Trung Thành” cho sản phẩm Chè của xã Trung Thành, huyện Đà Bắc. Các địa phương cũng tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở về xây dựng và phát triển NHCN cho các sản phẩm đặc sản như: Gà đen Pà Cò Mai Châu, Cá Dầm Xanh Mai Châu, Nhãn Lương Sơn, Rượu cần Lương Sơn, Lạc Yên Thủy. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện thực hiện đăng ký xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các huyện, thành phố đã hoàn thiện công tác tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện cho 37 sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương. Trong đó, đã phân hạng 3 sao cho 35 sản phẩm, phân hạng 4 sao cho 10 sản phẩm. Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tiếp tục tổ chức đánh giá đối với 10 sản phẩm để phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo quy định.

Công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền SHTT được đẩy mạnh. Các cơ quan chuyên môn đã tăng cường triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tư vấn hỗ trợ về tra cứu khả năng bảo hộ, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho hơn 40 lượt doanh nghiệp, tổ nhân, cá nhân. Hướng dẫn các địa phương về quy trình, thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN cho 5 sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh, như: Gà đen Pà cò Mai Châu, Cá Dầm xanh Mai Châu; Rượu cần Lương Sơn, Nhãn Lương Sơn; Lạc Yên Thủy. Ban hành thông báo và hướng dẫn thủ tục gia hạn hiệu lực cho 2 NHTT là Rau quả hữu cơ Lương Sơn và Hạt dổi Lạc Sơn.

Tỉnh tiếp tục duy trì và vận hành Trạm Khai thác thông tin và Dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) để thống kê thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về SHTT và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các tỉnh thành lân cận về các hoạt động về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Tăng cường quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên Website: www.txnghb.vn. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về các sản phẩm được bảo hộ SHTT lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để thúc đẩy quảng bá và giao thương sản phẩm. Cập nhật thông tin, số lượng các các sản phẩm OCOP mới được công nhận của tỉnh trên Website ocop.hoabinh.gov.vn, công bố các sản phẩm được cấp quyền sử dụng NHCN trên Website: quanlychatluong.hoabinh.gov.vn.

Hoạt động thúc đẩy sáng kiến và Phong trào thi đua lao động sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã tổ chức Hội thi tìm kiếm sáng kiến cải cách hành chính tỉnh, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 19 và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9. Các cuộc thi, hội thi đã thu hút sự tham gia đông  đảo của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều sáng kiến được đánh giá cao, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn.

Cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ cấp và quản lý 61 mã số vùng trồng và 8 mã số cơ sở đóng gói đảm bảo duy trì theo các tiêu chuẩn quy định. Trong tổng số mã số vùng trồng đã cấp có 34 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Anh Quốc, EU, Hoa Kỳ, Newzealand. Dự kiến niên vụ cây có múi 2023 – 2024, toàn tỉnh sẽ xuất khẩu 100 - 120 tấn Bưởi đỏ, Bưởi Diễn sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Anh Quốc. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ quyền SHCN. Trong đó có 19 NHTT, 28 NHCN, 1 chỉ dẫn địa lý. UBND huyện Mai Châu, Đà Bắc, Yên Thủy là đơn vị sở hữu và quản lý NHCN đều đã tổ chức hội nghị công bố thành công hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh gắn với hội thảo quảng bá sản phẩm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan về công tác sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ hình thành văn hóa SHTT trong xã hội được tỉnh triển khai thực hiện thông qua tuyên truyền, phổ biến chính sách và quy định. Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa, từ các trang thông tin điện từ, ấn phẩm báo chí. Các cơ quan chức năng đã tăng cường giới thiệu, kết nối các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT tham gia các chương trình hội trợ, triển lãm, phiên trợ, tuần lễ để quảng bá sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường trong nước, nước ngoài.

Năm 2023, UBND các cấp trong tỉnh đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ. Nhiều nội dung của Chương trình đều đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo lộ trình và cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra./.