DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh

27/11/2023 16:30
Năm 2023, được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện quyết liệt; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo quy định.
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 là 681.470 triệu đồng trong đó vốn đầu tư 157.162 triệu đồng; vốn sự nghiệp 69.508 triệu đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính xách xã hội 353.800 triệu đồng, vốn huy động khác 1.000 triệu đồng. Cụ thể nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 từ ngân sách Trung ương tổng kinh phí thực hiện 288.298 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 134.200 triệu đồng; vốn sự nghiệp 154.098 triệu đồng. Nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ ngân sách địa phương tổng kinh phí thực hiện 38.372 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 22.962 triệu đồng trong đó vốn đối ứng năm 2023 là 13.420 triệu đồng; vốn sự nghiệp  15.410 triệu đồng. Đối với nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đến thời điểm hiện nay bố trí được 5.237, 42 triệu đồng; vốn huy động khác (người dân, cộng đồng, doanh nghiệp…) 1.000 triệu đồng. Tổng kinh phí giải ngân trên địa bàn tỉnh 136.830 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp 47.845 triệu đồng và vốn đầu tư là 88.985 triệu đồng.

Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chỉ tiêu giao phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt 2,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo (Đà Bắc) giảm 6,25%/năm trở lên. Qua báo cáo của các huyện, thành phố tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,92% (từ 12,29% cuối năm 2022 xuống còn 9,37% cuối năm 2023) đạt 117% kế hoạch giao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đà Bắc giảm còn 8,1% (từ 34,94% cuối năm 2022 giảm còn 26,84% cuối năm 2023) đạt 129,7% kế hoạch giao. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Dự kiến đến cuối năm 2023 giải ngân 100% nguồn vốn kế hoạch được phân bổ năm 2022 và dự kiến giải ngân 90% nguồn vốn kế hoạch được phân bổ năm 2023 (vốn đầu tư dự kiến giải ngân 86%, vốn sự nghiệp dự kiến 95%)

Dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo (huyện Đà Bắc), nguồn vốn ngân sách Trung ương 49.015 triệu đồng trong đó đầu tư phát triển 44.559 triệu đồng; sự nghiệp là 4.456 triệu đồng. 10 công trình khởi công mới năm 2023 đã thực hiện xong 01 công trình đường khu tái định cư Mường Chiềng và 09 công trình đang thi công xây dựng. Đối với 31 công trình chuyển tiếp năm 2022 đã hoàn thành đi vào sử dụng 02 công trình; hoàn thành thi công xây dựng 17 công trình và đang thi công 12 công trình. Triển khai đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nguồn vốn ngân sách Trung ương 73.719 triệu đồng trong đó đầu tư phát triển là 67.017 triệu đồng; Sự nghiệp 6.702 triệu đồng. Cải tạo, sửa chữa đường huyện (ĐH.34) từ ngã ba Ênh, xã Tân Minh - xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện đang lựa chọn nhà thầu và duy tu bảo dưỡng 01 công trình. Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nguồn vốn ngân sách Trung ương 37.471 triệu đồng. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nguồn vốn ngân sách Trung ương: 16.527 triệu đồng. Cải thiện dinh dưỡng nguồn vốn ngân sách Trung ương 4.298 triệu đồng.

Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững nguồn vốn ngân sách Trung ương 59.969 triệu đồng trong đó đầu tư phát triển 22.624 triệu đồng; sự nghiệp 37.345 triệu đồng; ngân sách địa phương 4.602 triệu đồng. Hiện các đơn vị dạy nghề đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề và mở các lớp dạy nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Năm 2023 nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp) jỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo 27.080 triệu đồng. Triển khai thực hiện trên địa bàn huyện nghèo (huyện Đà Bắc) thực hiện hỗ trợ 862 hộ (492 hộ xây mới, 370 hộ sửa chữa nhà ở). Đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ. Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp) 11.210 triệu đồng. Hiện nay đang thực hiện đấu thầu triển khai nội dung tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã cho 22 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Truyền thông về giảm nghèo đa chiều phối hợp các đơn vị truyền thông để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo như phát sóng 5 phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; xây dựng 06 chuyên mục và 02 clip để tuyên truyền các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ, chính sách, giới thiệu kinh nghiệm cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng trên Báo Hòa Bình và 02 bài viết và hình ảnh trên báo in và 06 bài viết và 06 hình ảnh trên tạp chí điện tử của Báo trung ương; xuất bản 6.000 cuốn bản tin giảm nghèo bền vững./.