Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ta từ 5,2 triệu đồng năm 2006 tăng lên 13,4 triệu đồng năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,02% năm 2008 xuống 16,45% năm 2010 (theo tiêu chí cũ), năm 2011 là 31,51%, đầu năm 2013 là 21,73% (theo tiêu chí mới), dự báo hết năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn khoảng 18%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2006 là 11% tăng lên 25% năm 2010 và năn 2012 đạt 32%; tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động mỗi năm; tỷ lệ thất nghiệp vùng thành thị được khống chế ở mức dưới 5%.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt: 100% người nghèo dược cấp BHYT;100% học sinh là con em hộ nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác.
Chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện, mức trợ cấp ưu đãi ngày một tăng. Đã chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 8.000 người có công; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thường xuyên được tổ chức và thu hút được sự hưởng ứng của toàn xã hội; cuối năm 2012, có 96% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn.
Các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp ngày càng tăng, số người thụ hưởng tăng từ 2.285 người năm 2000 lên 16.834 người năm 2012.
BHXH được triển khai với 3 loại hình: Bảo hiểm bắt buộc, Bảo hiểm tự nguyện và Bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc ngày càng tăng, năm 1995 chỉ có 24.977 người, đến năm 2012 đã có 56.851 người tham gia; số người tham gia bảo hiểm tự nguyện năm 2012 có 796 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2012 khoảng 44.201 người. Bảo hiểm y tế tăng nhanh, đến cuối năm 2012 có trên 92% dân số toàn tỉnh tham gia, đặc biệt đã thực hiện chính sách BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách xã hội: Người có công, người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng BHXH, người cao tuổi…
Hệ thống chính sách về y tế đã góp phần cải thiện và nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở. Số bệnh viện tuyến huyện và tỉnh đạt chuẩn y tế quốc gia là 54%; số trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia là 47,6%.
Đã giúp 20.000 hộ thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo xóa được nhà tạm, 76% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 34,1% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.
Hệ thống chính sách giáo dục đã góp phần củng cố và tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạt và học, chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo tiền học phí, chi phí học tập giúp các em có điều kiện để đến trường. Tính đến năm 2012, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 64%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhân tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,5%; trẻ 6 đến 11 tuổi đi học đúng độ tuổi đạt 98%; tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật cấp tiểu học hòa nhập đạt 99,9%; số học sinh được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 98%, trong đó 100% học sinh vào lớp 6; tỷ lệ học sinh THCS vào THPT đạt 80 – 82 %; tỷ lệ xét tốt nghiệp học sinh THCS đạt 97 – 99%; tỷ lệ học sinh cấp THPT tốt nghiệp đạt từ 95 – 99 %. Số người được tuyển sinh học nghề tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 4,5% năm 2000 lên 32% năm 2012.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 1991 – 2013, đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh ta, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh chính trị được giữ vững; chính sách an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.