Trong công tác quy hoạch, Tỉnh ủy Hòa Bình tiếp tục lãnh đạo triển khai công tác lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng các huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hòa Bình.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Tham gia giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc triển khai thực hiện đối với một số dự án trọng điểm sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công và vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để khởi công năm 2022. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng. Đồng thời triển khai xây dựng Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình và Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp trong đó trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát nghiên cứu đầu tư tại tỉnh; đồng thời chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 tỉnh Hòa Bình có tổng điểm là 43,481 điểm, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao; giảm 8 bậc so với năm 2020. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2021 tỉnh Hòa Bình đạt 87,06%, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 tỉnh Hòa Bình đạt 88,85%, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tỉnh Hòa Bình đạt 57,16 điểm, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 13/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đây là điểm số thấp nhất trong 5 năm qua. Tại kỳ họp tháng 5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, phân tích các nguyên nhân đồng thời xác định, khâu tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, Nghị quyết của tỉnh ở hầu hết các cơ quan, đơn vị,… còn yếu kém, nhiều bất cập, chủ yếu do yếu tố cán bộ, đồng thời thống nhất thực hiện các giải pháp quyết liệt liên quan đến công ác cán bộ ngay trong tháng 6 năm 2022.
Bên cạnh đó, công phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động được chú trọng… Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã năm 2022 và thực hiện thông báo Kế hoạch đào tạo, chương trình bồi dưỡng năm 2022; xem xét, cho phép mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2022.
6 tháng cuối năm 2022, để hoàn thành các mục tiêu thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược, tỉnh tiếp tục hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các quy hoạch khác như: quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu vùng huyện, quy hoạch phân khu các vị trí có tiềm năng sử dụng đất (dọc tuyến đường Liên kết vùng, khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình,...). Khởi công các công trình giao thông trọng điểm như: Đường Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường liên kết vùng, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La); đường Quang Tiến - Thịnh Minh; Dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia, ..; ưu tiên đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn đảm bảo bảo theo tiêu chuẩn. Đầu tư hạ tầng số đảm bảo yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Các cấp ủy, chính quyền tập trung tìm các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính tất cả các lĩnh vực. Tổ chức các chương trình tọa đàm để tháo gỡ về thủ tục, cơ chế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thành lập tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để khởi công các dự án đã đủ điều kiện. Phấn đấu trong năm 2022, số dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng gấp 2 lần năm 2021. Phân tích các chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI năm 2021 để đề ra giải pháp xử lý và nâng cao chất lượng chỉ số thành phần ngay 6 tháng cuối năm 2022. Trước mắt, chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện rà soát, xem xét quy trình, cách thức tổ chức thực hiện công việc trong từng phòng, từng cơ quan, đơn vị, từng sở, từng ngành… để bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, tránh tình trạng một cá nhân quản lý độc lập một công việc, một quy trình, không có người thay thế, gây ách tắc công việc, nhất là các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư; mỗi một quy trình nên giao cho một nhóm công chức cùng thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt liên quan đến công tác cán bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của đảng viên, cán bộ, công chức của các sở ngành, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến công tác thu hút đầu tư, tài nguyên, khoáng sản, đất đai, giải phóng mặt; khi phát hiện thấy sai phạm xử lý trách nhiệm nghiêm theo quy định, không có vùng cấm để răn đe. Xây dựng các giải pháp quyết liệt, cụ thể để phòng, chống tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân doanh nghiệp…
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lục chất lượng cao. Thực hiện truyền thông định hướng giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập. Phấn đấu đến hết năm 2022, tạo việc làm mới cho trên 16 nghìn lao động/năm./.